Trồng một số cây cảnh trong nhà vào ngày Tết không chỉ giúp làm sạch không khí, mang lại sức khỏe, mà còn giúp gia chủ và các thành viên trong gia đình cầu may mắn trong dịp năm mới.
1. Cây quất - cây cảnh không thể thiếu trong ngày Tết
Theo quan niệm dân gian, hình tượng cây quất trĩu quả tượng trưng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình. Quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới sẽ được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức khoẻ.
Vì vậy, trong những ngày Tết, hầu hết các gia đình, công ty, cửa hàng kinh doanh đều chọn cây quất để trưng bày, trang trí. Ngoài ra, quất còn giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Quả quất ăn có mùi thơm, vị chua ngọt, vỏ có chất dầu cay thơm. Mùi hương quyến rũ của tinh dầu từ cây quất không chỉ giúp không khí dễ chịu, mà còn giúp xua đuổi muỗi, côn trùng.
Theo y học cổ truyền, quất vị cay ngọt, hơi chua, tính ấm, làm tan đờm, giảm ho, điều hòa khí, kiện tỳ. Ăn quất với lượng đường phèn hợp lý có thể chữa ho hen do phong hàn ở người già. Quất tươi ăn liền 10 quả lúc đói chữa đau chướng bụng. Quất ướp đường ăn có tác dụng khai vị, điều hòa khí…
Qua phân tích, quất giàu chất vitamin C, các loại đường, dầu bay hơi... Lượng vitamin C dồi dào có đặc tính chống oxy hóa giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi vi khuẩn và vi rút có hại, cơ thể phục hồi nhanh hơn sau cảm lạnh thông thường thường gặp trong dịp Tết khi thời điểm giao mùa đông – xuân.
Cây quất.
2. Hoa mai
Hoa mai là một trong những loài hoa tượng trưng cho ngày Tết. Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát triển. Theo quan niệm của người xưa, hoa mai nở vào ngày Tết sẽ đem lại may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, tấn lộc tấn tài. Hương thơm dịu nhẹ của mai cũng giúp con người giải tỏa căng thẳng... và có thêm nhiều hứng khởi trong thời điểm bắt đầu một năm mới.
Theo Y học cổ truyền, hoa mai vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, chán ăn, chóng mặt... Trong hoa mai có chứa các thành phần như: Cineole, linalool, farnesol, borneol, benzyl alcohol, terpineol, indol... có tác dụng thúc đẩy quá trình đào thải của hệ bài tiết, giúp bảo vệ gan và mật và ức chế sự hình thành một số loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như phẩy khuẩn tả, E. coli hay trực khuẩn lỵ…
Ngoài ra, hoa mai được sử dụng để làm nên những món ăn ngon và bổ dưỡng. Cánh hoa mai có thể dùng làm bánh ngọt, hoặc nấu cùng với thịt dê, thịt lợn, cá chép, nấm hương… để tạo nên các món ăn tốt cho sức khỏe.
3. Hoa cúc
Hoa cúc rất ưa ánh sáng mặt trời, vì vậy nên được đặt ở vị trí gần cửa sổ. Những bông hoa cúc xinh xắn có khả năng lọc bỏ độc tố amoniac, benzen, thường tìm thấy trong nhựa, chất tẩy rửa và keo dán.
Theo phong thủy, hoa cúc là loài hoa tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp, trường thọ, phúc lộc và niềm an vui. Do đó, cứ mỗi dịp Tết, người ta thường đặt những chậu cúc xinh tươi trước cổng và thềm nhà với mong muốn một năm mới dồi dào sức khỏe, tăng thêm phúc lộc.
Ngoài ra, hoa cúc còn là vị thuốc với nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng có hai loại thường được dùng nhiều nhất trong y học là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng.
Theo y học cổ truyền, cúc hoa trắng có tác dụng tán phong thanh nhiệt, bình can, minh mục, giải sang độc. Cúc hoa vàng vị đắng cay, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, minh mục, hạ áp. Cả hai thường được sử dụng để chữa các chứng cảm lạnh, sốt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Uống lâu ngày lợi huyết, có tác dụng về nội tiết làm trẻ lâu.
Sách "Bảo Phác Tử" của Cát Hồng đời Tần cũng ghi lại bài thuốc "Bột cúc hoa" làm tăng sắc đẹp: Bạch cúc nửa cân (hái vào đúng ngày 9 tháng 9 âm lịch), phục linh nửa cân. Đem tán bột rồi trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 6g với rượu ấm.
Bài thuốc "Cam cúc phương" kéo dài tuổi thọ: Hái mầm cúc vào thượng tuần tháng 3, lá cúc vào tháng 6, hoa cúc vào tháng 9, nhổ cả cây, rễ vào tháng 12. Cả 4 thứ phơi trong râm cho khô, lấy số lượng bằng nhau đem tán nhỏ. Liều dùng ngày 3 lần, mỗi lần 4gam hoặc luyện với mật ong, làm viên bằng hạt ngô, dùng ngày 3 lần, mỗi lần 7 viên. Uống liên tục trong 100 ngày.
Hoa cúc.
Theo nghiên cứu Y học hiện đại, hoa cúc có tác dụng hạ huyết áp, chữa cảm phong hàn, tác dụng chống viêm kháng khuẩn, tăng cường thị lực và tác dụng an thần ở những bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng do sang chấn tinh thần.
Lưu ý: Những người bị khí hư, vị hàn, tỳ vị hư hàn, ăn ít, tiêu chảy không nên dùng. Không nên dùng cho phụ nữ có thai, người tiêu chảy mất nước nặng, tay chân lạnh, nhức đầu mà sợ lạnh… Cúc hoa các loại đều kỵ dùng chung với bạch truật và địa cốt bì.
4. Hoa đồng tiền
Hoa đồng tiền – loài hoa nổi bật với sắc màu rực rỡ. Từng bông hoa to tròn giống như những đồng tiền xu ngày xưa. Cây có thể cho hoa quanh năm, vì thế mỗi dịp Tết đến Xuân về, rất nhiều gia đình lựa chọn loài hoa này là hoa để trưng tết.
Từ xa xưa, hoa đồng tiền đã mang ý nghĩa tài lộc và may mắn. Trồng hoa đồng tiền giúp gia chủ làm ăn phát đạt, gặp nhiều thành công, giúp hoá giải điềm xấu và mang lại vận may cho gia chủ. Bên cạnh đó, hoa đồng tiền còn giúp thanh lọc không khí, có thể loại bỏ trichloroethylene và benzen trong nhiều loại vật liệu gia dụng từ sơn đến sợi tổng hợp.
Cúc đồng tiền cũng giải phóng nhiều oxy hơn so với các loại cây trồng trong nhà thông thường. Điều này có thể rất hữu ích cho những người bị rối loạn nhịp thở.
Theo y học cổ truyền cánh hoa có chứa các thành phần thanh nhiệt nên phơi khô đun nước uống giúp tiêu đờm, giảm ho hiệu quả. Chữa được bệnh rắn cắn, sưng đau cần xay nhuyễn cánh hoa đun nước uống, còn xác đem đắp vào vết thương là sẽ nhanh khỏi.
5. Cây thường xuân
Cây thường xuân là loại cây dây leo thường dùng làm cảnh với ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, tượng trưng cho sự tài lộc, sinh sôi nảy nở và may mắn, có khả năng xóa tan âm khí, vượng dương khí, từ đó mang đến bình an và thịnh vượng cho gia chủ.
Những giỏ thường xuân ngoài tạo nên vẻ nên thơ cho không gian sống, còn mang lại màu sắc tươi mát giúp tạo không gian xanh tươi. Bên cạnh đó một số nghiên cứu cho thấy thường xuân còn có tác dụng thanh lọc không khí, giúp loại bỏ formaldehyde có trong thảm và sơn tường, hấp thu các chất có hại như benzen, phenol, nicotine… Chính vì thế cây thường xuân được rất nhiều người chuyên gia sức khỏe khuyên trồng tại khu vực nhà ở.
Thường xuân cũng là một dược liệu quý, được nhắc đến nhiều trong các sản phẩm trị ho, và có nhiều công dụng khác như kháng viêm, chống oxy hóa, giải độc, hỗ trợ chăm sóc da.
Bộ phận được dùng làm thuốc là lá hoặc quả đã phơi khô của cây thường xuân. Trong Y học cổ truyền, lá thường xuân có tác dụng khu phong, trừ thấp, bổ phế, chỉ khái, bình suyễn, hoạt huyết, mát gan, giải độc.
Một số thành phần của cây thường xuân góp phần trong tác dụng chữa bệnh như: Saponin (hedera saponin B, hedera saponin C, hederasaponin D là 3 saponin chính và một lượng nhỏ α-hederin giúp long đờm, làm dịu cơn ho), flavonoid, alkaloid, chất béo, dẫn xuất của acid phenolic…
Với những thành phần trên, cây thường xuân có các tác dụng như giảm ho, chống viêm và chống oxy hóa, hỗ trợ chăm sóc da (giảm đau và nhiễm trùng của các vết bỏng trên da, giảm đau khó chịu do các bệnh vẩy nến, mụn trứng cá, chàm da...), giúp giải độc thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố.
Lưu ý: Thông tin về sự an toàn của cây thường xuân còn ít, do đó nên thận trọng khi sử dụng. Phụ nữ có thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Cần thận trọng khi cắt tỉa thường xuân, vì có thể gây dị ứng, viêm da tiếp xúc phát ban trên da.
Cây thường xuân.
6. Cây phát tài phát lộc
Cây phát tài phát lộc là một dạng cây phong thủy. Như tên gọi, cây phát tài phát lộc được cho là mang đến tài lộc, may mắn và là biểu tượng của thành công. Sắc xanh vàng của lá cùng sức sống bền bỉ của cây sẽ đem lại sinh khí cho căn nhà, nên rất được ưa chuộng và chọn làm cây cảnh chưng trong nhà ngày Tết.
Theo phong thủy, số lượng cây phát tài phát lộc được trồng trong một chậu sẽ có ý nghĩa khác nhau: 2 cây (tình duyên và hôn nhân), 3 cây (mang đến 3 loại may mắn là hạnh phúc, trường thọ, sự giàu có), 5 cây (sức khỏe), 8 cây (thịnh vượng, phát tài), 9 cây (may mắn).
Cây nên được đặt trong phòng khách, có tác dụng thanh lọc không khí, hấp thụ cacbonic và nhả ra oxy. Đặt cây trong nhà sẽ giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, kháng khuẩn hiệu quả.
Tuy nhiên, trong cây phát tài phát lộc có chứa nhiều tinh thể canxi oxalat. Khi ăn nhầm hoặc chạm phải dịch cây tiết ra có thể ảnh hưởng tới niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt. Vì thế, đối với những nhà có trẻ em, khuôn viên trường mẫu giáo, trường tiểu học… cần cân nhắc trước khi trồng hoặc đặt cây ở vị trí xa tầm với của trẻ.
Một số lưu ý khi dùng hoa, cây cảnh trong ngày Tết
- Không nên sử dụng quá nhiều hoa với nhiều màu sắc trong nhà sẽ gây rối mắt, nên chọn những cây có màu sắc hài hòa với không gian ngôi nhà.
- Trong phòng bếp, phòng ăn nên chọn những cây nhỏ gọn, tránh vướng víu.
- Trong sân, hai bên cửa phòng khách, lối vào nhà... nên chọn những chậu cây có kích thước lớn.
- Trong phòng khách, bàn ăn hoặc cửa sổ... nên chọn những chậu cây nhỏ, lọ cắm hoa.
- Chú ý tới việc chăm sóc các chậu cây, lọ hoa đúng cách: Lượng nước tưới phù hợp với từng loại cây, thay nước cho lọ hoa, đặt chậu/lọ hoa ra sân vào buổi tối, đảm bảo ánh sáng cho những cây trồng trong chậu... để đảm bảo cây được tươi lâu hơn trong ngày Tết.
Cây cảnh, cây hoa để trang trí nhà cửa đón Tết không chỉ giúp mang đến không khí ấm áp của mùa xuân, không khí ngày Tết, mà còn mang lại bầu không khí trong lành, sức khỏe, và may mắn, tài lộc cho gia đình trong năm mới. Tùy vào mỗi loại bông hoa hoặc cây cảnh, đều có ý nghĩa khác nhau và phù hợp với không gian riêng của ngày Tết, nên việc lựa chọn loại bông hoa, cây cảnh chưng Tết cũng nên có sự chọn lựa theo sở thích của mỗi gia đình, để trang trí trong những ngày Tết.
Mời độc giả xem thêm video:
VIDEO - Người dân mua cây cảnh, hoa tươi trang trí Tết trên phố Hoàng Hoa Thám