6 câu hỏi thường gặp về hội chứng nghiện giật tóc

24-04-2025 14:41 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng nghiện giật tóc là một trong những rối loạn tâm thần không hề hiếm gặp. Khi mắc bệnh lý này, người bệnh sẽ có sở thích muốn nhổ tóc thường xuyên.

Hội chứng nghiện giật tóc còn có tên gọi khác là rối loạn nhổ tóc, chứng ghiền nhổ tóc hay hội chứng Trichotillomania. Do hội chứng Trichotillomania có xu hướng bắt đầu từ tuổi vị thành niên nên các triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo không rõ ràng và thường bị bỏ qua bởi những người xung quanh.

Cùng với hội chứng nghiện giật tóc, trẻ nhỏ còn có một số tật xấu khác như cắn móng tay cũng là dấu hiệu bất ổn cho một căn bệnh rối loại tâm thần nhưng dễ bị bỏ qua và giống như hầu hết các dạng rối loạn tâm thần khác, hội chứng nghiện giật tóc ngày càng trở nên tệ hơn theo thời gian nếu như không được can thiệp kịp thời.

1. Tại sao phụ nữ thường mắc hội chứng nghiện giật tóc hơn nam giới?

Hội chứng nghiện giật tóc là một rối loạn tâm lý ảnh hưởng tới 1-2% dân số thế giới. Bệnh gặp ở cả nam và nữ bất kỳ tuổi nào nhưng ở trẻ em hay gặp hơn, nhất là độ tuổi trước khi đi học và tuổi vị thành niên, dậy thì.

Trong thời thơ ấu, sự phân bố giới tính về chứng rối loạn nhổ tóc gần như bằng nhau. Ở người lớn, chứng rối loạn tâm thần biểu hiện có ưu thế lớn ở nữ giới với tỷ lệ nữ : nam là 4:1.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, tỷ lệ áp đảo người bị nghiện giật tóc là phụ nữ. Cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được lý do của hiện tượng này. Rất có thể phụ nữ có xu hướng hướng nội (nội cảm xúc) còn đàn ông lại có xu hướng hướng ngoại (ngoại cảm xúc) vì vậy phụ nữ thường hay tự tìm kiếm cảm xúc bằng cách nhổ tóc để không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

6 câu hỏi thường gặp về hội chứng nghiện giật tóc- Ảnh 1.

Hội chứng nghiện giật tóc là một rối loạn tâm lý ảnh hưởng tới 1 - 2% dân số thế giới.

2. Hội chứng nghiện giật tóc có nguy hiểm?

Hội chứng nghiện giật tóc là một chứng rối loạn lâu dài. Nếu không điều trị, các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng theo thời gian. Sự bắt đầu nhổ tóc thường vào cuối thời thơ ấu hoặc đầu tuổi vị thành niên. Do rối loạn bắt đầu trong giai đoạn thay đổi tâm lý, rối loạn nhổ tóc thường đi kèm với rối loạn cảm xúc, bao gồm giảm lòng tự trọng và chất lượng cuộc sống.

Người bệnh có thể cảm thấy thất vọng, xấu hổ và ngượng ngùng vì tình trạng nhổ tóc không dứt và tình hình rụng tóc của mình. Người bệnh luôn cảm thấy mình không kiểm soát được việc nhổ tóc, dẫn đến tự ti, trầm cảm, lo lắng, thậm chí có người sử dụng rượu hoặc ma túy vì tình trạng bất thường của họ.

Xấu hổ vì rụng tóc có thể khiến họ lảng tránh các hoạt động xã hội, trường học và cơ hội việc làm. Những người mắc hội chứng nghiện giật tóc có thể đội tóc giả, tạo kiểu tóc để che đi các mảng hói hoặc đeo mi giả. Một số người cũng tránh quan hệ tình dục để che giấu tình trạng của mình.

Việc nhổ tóc liên tục có thể gây sẹo, nhiễm trùng và các tổn thương khác cho da đầu hoặc vùng da nơi tóc bị nhổ. Điều này ảnh hưởng vĩnh viễn đến sự phát triển của tóc.

Khoảng 10-20% người mắc hội chứng nghiện giật tóc ăn tóc sau khi nhổ. Ăn tóc có thể dẫn đến một búi tóc lớn, bết dính nằm trong đường tiêu hóa của người bệnh. Tình trạng này kéo dài dẫn đến tắc nghẽn đường tiêu hóa và có thể gây sụt cân, nôn mửa, tắc ruột đe dọa tử vong. Trong tình huống này, rất có thể cần can thiệp phẫu thuật.

3. Các biện pháp người bệnh nên thử để cai chứng nghiện giật tóc

Sau đây là một số lời khuyên từ những người bị hội chứng nghiện giật tóc, có thể giúp ích khi bạn cảm thấy muốn nhổ tóc:

  • Bóp một quả bóng giảm stress hoặc thứ gì đó tương tự.
  • Nắm tay lại thành một quả bóng và siết chặt các cơ ở cánh tay đó.
  • Sử dụng đồ chơi fidget (là những vật nhỏ được thiết kế kích thước vừa vặn lòng bàn tay để bạn có thể nghịch ngợm với tay một cách có chủ ý).
  • Quấn khăn hoặc đội mũ bó sát, chẳng hạn như mũ len.
  • Tắm nước ấm để giảm bớt căng thẳng hoặc lo lắng.
  • Thực hành hít thở sâu cho đến khi cơn muốn giật tóc biến mất.
  • Dán miếng dán lên đầu ngón tay.

4. Y học cổ truyền có điều trị được hội chứng nghiện giật tóc?

Hội chứng nghiện giật tóc được xem là một rối loạn kiểm soát xung động liên quan đến các yếu tố tâm lý sâu xa như căng thẳng, lo âu, trầm cảm, hoặc các vấn đề về cảm xúc chưa được giải quyết. Y học cổ truyền thường tập trung vào điều trị triệu chứng thể chất và cân bằng năng lượng, có thể không trực tiếp giải quyết các nguyên nhân tâm lý này.

5. Hội chứng nghiện giật tóc có thể chữa khỏi được không?

6 câu hỏi thường gặp về hội chứng nghiện giật tóc- Ảnh 2.

Một số tình trạng hói đầu gây ra bởi hội chứng nghiện giật tóc khiến người bệnh tự ti về vẻ bên ngoài của mình.

Đối với một số người, chứng nhổ tóc có thể nhẹ và có thể kiểm soát được. Đối với những người khác, cảm giác muốn nhổ tóc tự động hoặc cố ý là quá mức để kiểm soát về mặt cảm xúc. Một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm hoặc ngăn chặn hoàn toàn chứng nhổ tóc. Hiện tại, mới chỉ có một số cách điều trị như nhận thức hành vi trị liệu như thôi miên và dùng một số thuốc nhất định. Những loại dược phẩm có tác dụng trấn an người bệnh và ngăn chặn sự thôi thúc giật tóc. Tối ưu nhất trong điều trị hội chứng nghiện giật tóc là kết hợp nhiều loại thuốc và liệu pháp khác nhau trong thời gian dài như ở hầu hết các loại bệnh rối loạn tâm thần mà con người mắc phải.

6. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Khi người bệnh không thể ngừng nhổ tóc hoặc cảm thấy xấu hổ hoặc tự ti vì ngoại hình của mình sau khi nhổ tóc. Khi đó, người đó cần nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý. Trichotillomania không chỉ là một thói quen xấu mà còn là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Nó khó có thể tự thuyên giảm nếu không được điều trị.

Hội chứng nghiện giật tóc là một rối loạn tâm thần kéo dài và mạn tính. Việc điều trị cần kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và liệu pháp hành vi. Vấn đề sử dụng thuốc đang được kỳ vọng trong tương lai để có thể điều trị triệt để bệnh lý này.

Xem thêm:

Hội chứng nghiện giật tóc: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhHội chứng nghiện giật tóc: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Hội chứng nghiện giật tóc là một tình trạng tâm lý phức tạp, khiến người bị mắc phải không thể kiểm soát được hành vi nên thường xuyên giật tóc của mình.

Chế độ ăn cho người mắc hội chứng nghiện giật tócChế độ ăn cho người mắc hội chứng nghiện giật tóc

SKĐS - Mặc dù không có chế độ ăn đặc biệt điều trị trực tiếp hội chứng nghiện giật tóc nhưng dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng có thể giúp người mắc hội chứng nghiện giật tóc cảm thấy tốt hơn, đáp ứng hiệu quả hơn với quá trình điều trị chuyên biệt.

Thuốc trị Hội chứng nghiện giật tócThuốc trị Hội chứng nghiện giật tóc

SKĐS - Hội chứng nghiện giật tóc là một rối loạn sức khỏe tâm thần khiến người bệnh có ham muốn nhổ tóc không thể kiểm soát. Việc điều trị sớm, kịp thời, đúng cách giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc một số bệnh có liên quan, đồng thời giảm tự ti trong giao tiếp...

Bài tập cho người mắc Hội chứng nghiện giật tócBài tập cho người mắc Hội chứng nghiện giật tóc

SKĐS - Các bài tập có thể giúp quản lý căng thẳng, kiểm soát các hành vi tiềm ẩn ở người mắc Hội chứng nghiện giật tóc, từ đó giúp hỗ trợ điều trị bệnh.



BS. Đào Thị Thu Hương
Ý kiến của bạn