Theo Hội Hô hấp Việt Nam, giãn phế quản là tình trạng tăng khẩu kính phế quản liên tục, vĩnh viễn không hồi phục của một hoặc nhiều phế quản có đường kính trên 2mm.
Sự giãn nở này gây khó khăn cho việc đưa những chất tiết (đờm, chất nhầy) từ đường hô hấp dưới lên trên.
Những chất tiết dính này là nơi cư trú lý tưởng cho sự sống và phát triển của nhiều loại vi khuẩn. Điều này dẫn đến nhiễm khuẩn, gây hại thêm đường hô hấp và làm giãn phế quản nhiều hơn.
1. Y học cổ truyền có điều trị giãn phế quản được không?
Điều trị giãn phế quản nhằm mục đích giúp bệnh nhân giảm đau và kiểm soát bệnh. Các phương pháp điều trị giãn phế quản đều có chung mục tiêu là làm sạch chất nhầy khỏi đường thở và ngăn ngừa tổn thương phổi. Sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền có thể hỗ trợ điều trị triệu chứng, cải thiện chức năng phổi, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.
Một số bài thuốc Đông y được bào chế từ các loại thảo dược có tác dụng hóa đàm, tiêu viêm, thông khí đạo, bổ phế. Y học cổ truyền có thể là một lựa chọn bổ trợ hiệu quả trong điều trị giãn phế quản, tuy nhiên không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp điều trị hiện đại. Nên kết hợp cả hai phương pháp giúp tăng cường hiệu quả điều trị, giảm thời gian điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2. Giãn phế quản có nguy hiểm hay không?
Trong những trường hợp rất nặng, sự giãn nở đường thở xảy ra ở cả hai phổi, ảnh hưởng lớn đến sự hô hấp và dẫn tới nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở, suy tim trầm trọng làm người bệnh khó thở dẫn tới tử vong nhanh.
Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu, nguyên trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giãn phế quản có thể đưa đến một số hậu quả xấu cho người bệnh, các trường hợp ổ giãn phế quản tồn tại một thời gian dài, không phát hiện sớm và điều trị đúng thì ổ giãn phế quản có thể lan rộng ra sau nhiều đợt bội nhiễm tái phát, gây áp-xe phổi hoặc gây mủ phế quản, mủ phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng. Từ đó làm suy hô hấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến chức năng của tim và nguy hiểm hơn là gây nên suy tim. Trẻ em mắc bệnh giãn phế quản sẽ chậm phát triển cả thể chất và tinh thần.
3. Bệnh giãn phế quản có chữa khỏi được không?
Bệnh giãn phế quản nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ và kịp thời có thể khỏi hoàn toàn nhưng nếu không được phát hiện hoặc phát hiện muộn hoặc điều trị sai sẽ làm cho ổ giãn phế quản lan rộng và kéo dài. Việc điều trị giãn phế quản chủ yếu nhằm ngăn ngừa, điều trị các đợt bùng phát do bội nhiễm. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
4. Độ tuổi nào dễ mắc bệnh giãn phế quản?
Bệnh giãn phế quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có một số giai đoạn dễ mắc bệnh hơn. Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, hệ miễn dịch suy yếu, tiền sử bệnh hô hấp,... đóng vai trò quan trọng hơn trong việc xác định ai dễ mắc bệnh.
Có hai loại giãn phế quản, đó là giãn phế quản mắc phải và giãn phế quản bẩm sinh. Giãn phế quản mắc phải thường gặp ở người lớn tuổi. Giãn phế quản mắc phải chiếm tỷ lệ rất cao (90%). Loại bệnh này, hầu hết là do mắc phải, tức là đã mắc một bệnh nào đó về đường hô hấp hoặc có liên quan đến bệnh hệ thống đường hô hấp (viêm họng, mũi, thanh quản, xoang hoặc viêm răng miệng).
Giãn phế quản bẩm sinh chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 10%), thường gặp ở tuổi còn trẻ, phổi có hiện tượng "phổi đa nang" và có thể có các bẩm sinh khác kèm theo.
5. Chăm sóc bệnh nhân giãn phế quản tại nhà
Ngoài việc tuân thủ điều trị của thầy thuốc thì người bệnh cần được nghỉ ngơi, yên tĩnh và chăm sóc đúng cách. Bệnh nhân giãn phế quản cần nâng cao thể trạng, đặc biệt là trẻ em bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Người bệnh cần ăn uống đủ năng lượng, giàu vitamin, nhiều sinh tố giúp nâng cao sức đề kháng.
Vào mùa lạnh, bệnh nhân cần giữ ấm cơ thể, vùng cổ, nhất là khi ra khỏi nhà bằng cách mặc ấm, có khăn quàng cổ, đội mũ len, đeo khẩu trang. Nên tắm, rửa bằng nước ấm ở trong buồng tắm kín gió. Tắm xong lau khô người và mặc quần áo ngay tránh cảm lạnh, nhất là trẻ em và người cao tuổi.
Người bệnh cần duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp nhằm tăng cường sức khỏe. Nên tập thể dục đều đặn, đúng bài bản, tập hít thở sâu, đặc biệt là tập thở đều. Nếu có điều kiện nên sống ở nơi có không khí trong lành, khí hậu ấm và khô. Tránh xa các nguồn khói như khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi.
Người bệnh cần lao động, sinh hoạt điều độ, giữ ấm cơ thể để không bị nhiệt độ đột ngột thay đổi ảnh hưởng. Hằng ngày, vệ sinh răng miệng và tắm rửa để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân, áo quần, chăn ga trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ.
Nếu bệnh nhân ho nhiều, phải hướng dẫn cho bệnh nhân nằm đầu cao, nghiêng về một bên, cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm, làm ấm và ẩm không khí để bệnh nhân dễ thở, các biện pháp trên có tác dụng làm long đờm và bệnh nhân dễ khạc ra.
Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở. Trước vỗ rung và dẫn lưu tư thế, bệnh nhân cần được khám lâm sàng tỉ mỉ và được tư vấn của bác sĩ.
6. Chi phí điều trị bệnh giãn phế quản
Chi phí điều trị bệnh giãn phế quản có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh ở giai đoạn đầu thường có chi phí điều trị thấp hơn so với giai đoạn muộn. Nếu có các biến chứng như nhiễm trùng phổi, ho ra máu, thì chi phí sẽ tăng lên đáng kể.
Bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ về các cơ sở y tế, bác sĩ điều trị, phương pháp điều trị và chi phí trước khi quyết định. Để biết chính xác chi phí điều trị, nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.