6 câu hỏi liên quan đến hội chứng Eisenmenger

17-04-2025 13:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Eisenmenger là hậu quả của bệnh tim bẩm sinh không được điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Băn khoăn của nhiều người bệnh hiện nay là cách điều trị và chăm sóc thế nào cho hiệu quả.

1. Hội chứng Eisenmenger có chữa khỏi được không?

Hội chứng Eisenmenger là một tình trạng phức tạp. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: suy hô hấp, suy tim, rối loạn nhịp tim và nguy cơ đột quỵ hoặc tử vong.

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn hội chứng Eisenmenger. Người mắc hội chứng Eisenmenger cần được theo dõi và điều trị bởi các chuyên gia tim mạch có kinh nghiệm. Điều quan trọng cần lưu ý là việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh tim bẩm sinh có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của hội chứng Eisenmenger.

Khi hội chứng đã tiến triển, việc điều trị chủ yếu là tập trung giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng của bệnh để cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

ThS. DS. Trần Phương Duy
https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-...

2. Đông y có điều trị được hội chứng Eisenmenger không?

Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy Đông y có thể điều trị được hội chứng Eisenmenger. Trong Đông y, các phương pháp điều trị thường tập trung vào việc hỗ trợ điều hòa lưu thông máu, cải thiện chức năng tim và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Do đó, người bệnh mắc hội chứng Eisenmenger nên tuân theo phác đồ điều trị của y học hiện đại và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi kết hợp bất kỳ phương pháp điều trị Đông y nào.

6 câu hỏi liên quan đến hội chứng Eisenmenger- Ảnh 1.

Hội chứng Eisenmenger là một tình trạng phức tạp có thể gây biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

3. Người mắc hội chứng Eisenmenger có tập thể dục được không?

Tập thể dục giúp cải thiện cải thiện tuần hoàn máu và duy trì sức khỏe. Người mắc hội chứng Eisenmenger vẫn có thể tập luyện nếu được bác sĩ cho phép và sức khỏe ở tình trạng ổn định, không có triệu chứng nghiêm trọng.

Người bệnh cần lựa chọn các bài tập phù hợp và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, có cường độ thấp và không gây áp lực quá lớn lên tim như: Đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga và các bài tập hít thở, đạp xe nhẹ và bơi lội nhẹ nhàng. Lưu ý cần tránh các bài tập đòi hỏi sức bền cao hoặc gắng sức như chạy bộ nhanh, nâng tạ nặng hoặc các môn thể thao đối kháng.

4. Cách chăm sóc người mắc hội chứng Eisenmenger

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình và liều lượng thuốc do bác sĩ kê đơn. Cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng mới xuất hiện, triệu chứng cũ trở nên nặng hơn hoặc có bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc.

Lưu ý tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phác đồ khi cần thiết.

Tránh các hoạt động gắng sức quá mức có thể làm tăng áp lực lên tim và phổi, gây khó thở và mệt mỏi.

Có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, ăn ít muối để giúp kiểm soát huyết áp. Uống đủ nước giúp duy trì lưu lượng máu và ngăn ngừa tình trạng cô đặc máu. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước cần thiết hằng ngày.

Không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc vì khói thuốc lá gây hại nghiêm trọng cho tim, phổi và làm tăng nguy cơ biến chứng.

Tiêm phòng cúm hàng năm và tiêm phòng ngừa viêm phổi theo khuyến cáo của bác sĩ để giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.

5. Người mắc hội chứng Eisenmenger nên đi khám ở đâu?

Người mắc hội chứng Eisenmenger nên được khám và điều trị tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa Tim mạch, có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp và tăng áp lực động mạch phổi.

Việc lựa chọn bệnh viện chuyên khoa có kinh nghiệm và uy tín là rất quan trọng để người bệnh mắc hội chứng Eisenmenger được theo dõi và điều trị tốt nhất.

Có thể tham khảo một số bệnh viện như: Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Tim Hà Nội; Viện Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Trung tâm Tim mạch lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức; Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E; Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế; Viện Tim TP. Hồ Chí Minh; Khoa Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy; Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM…

6 câu hỏi liên quan đến hội chứng Eisenmenger- Ảnh 3.

Người mắc hội chứng Eisenmenger cần được theo dõi và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa Tim mạch. Ảnh minh họa

6. Chi phí khám và điều trị hội chứng Eisenmenger

Việc chẩn đoán hội chứng Eisenmenger thường dựa trên tiền sử bệnh tim bẩm sinh không được điều trị, các triệu chứng lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp X-quang ngực thường không quá đắt.

Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định hội chứng Eisenmenger và đánh giá mức độ bệnh có thể cần các xét nghiệm chuyên sâu hơn như thông tim, chụp CT hoặc MRI tim phổi, xét nghiệm khí máu động mạch… các xét nghiệm này có chi phí cao hơn đáng kể.

Ngoài ra, mỗi bệnh nhân cần chuẩn bị chi phí điều trị thuốc kiểm soát triệu chứng và khám xét nghiệm định kỳ. Hội chứng Eisenmenger có thể gây ra nhiều biến chứng, việc điều trị các biến chứng nặng sẽ phát sinh thêm chi phí có thể rất tốn kém nếu cần nhập viện và can thiệp chuyên sâu.

Bảo hiểm y tế thực hiện chi trả theo quy định. Người bệnh nên tham khảo tư vấn cụ thể của cán bộ y tế về quy định bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí khám và điều trị.

Xem thêm:

Hội chứng Eisenmenger: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và dự phòngHội chứng Eisenmenger: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và dự phòng

SKĐS - Hội chứng Eisenmenger là một tình trạng bệnh lý nặng của hệ tim mạch, thường gặp trong các bệnh tim bẩm sinh và không quá phổ biến trên lâm sàng.

Thuốc điều trị Hội chứng EisenmengerThuốc điều trị Hội chứng Eisenmenger

SKĐS - Hội chứng Eisenmenger là một biến chứng nghiêm trọng của các khuyết tật bẩm sinh trong tim và mạch máu, đặc biệt là các khuyết tật tim bẩm sinh gây ra sự thông nối bất thường giữa các buồng tim dẫn đến tình trạng tăng áp động mạch phổi.

Người mắc Hội chứng Eisenmenger có nên tập luyện?Người mắc Hội chứng Eisenmenger có nên tập luyện?

SKĐS - Người mắc hội chứng Eisenmenger vẫn có thể tập luyện nếu được bác sĩ cho phép và sức khỏe ở tình trạng ổn định, không có triệu chứng nghiêm trọng. Việc tập luyện đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như cải thiện tuần hoàn máu, duy trì thể lực...

Hội chứng Eisenmenger và dinh dưỡngHội chứng Eisenmenger và dinh dưỡng

SKĐS - Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hội chứng Eisenmenger. Chế độ ăn lành mạnh, ít muối và giàu dinh dưỡng có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.


Đức Minh
Ý kiến của bạn