Hà Nội

6 cách tự nhiên hỗ trợ trị tăng huyết áp

SKĐS - Ngoài sử dụng thuốc thì chế độ ăn uống, tập luyện rất quan trọng đối với người tăng huyết áp. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách tự nhiên có thể giúp hỗ trợ để giảm huyết áp…

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây ra cơn đau tim, đột quỵ… được ví như "kẻ giết người thầm lặng". Điều quan trọng cần phải nhận biết các triệu chứng sớm của tăng huyết áp, có giải pháp phù hợp để kiểm soát một cách hiệu quả…

Thực tế huyết áp cao có thể được kiểm soát bằng cách thực hiện một số thay đổi dễ dàng trong lối sống hàng ngày.

1. Triệu chứng của tăng huyết áp

Người bệnh không nên bỏ qua các triệu chứng dưới đây:

  • Đau đầu
  • Chảy máu mũi
  • Mệt mỏi (hoặc rất mệt mỏi)
  • Sương mù não
  • Giảm thị lực
  • Đau nhói ở ngực
  • Khó thở
  • Nhịp tim không đều
  • Tiểu ra máu
photo-1655097504764

Tăng huyết áp được ví như kẻ giết người thầm lặng.

2. Làm thế nào để quản lý tăng huyết áp?

Dưới đây là một số thay đổi lối sống có thể giúp bạn đối phó với chứng tăng huyết áp:

2.1 Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể dẫn đến một số tình trạng sức khỏe mãn tính, trong đó có tăng huyết áp. Nicotin trong thuốc lá kích thích sản sinh adrenaline làm tim đập nhanh… gây huyết áp cao.

Hút thuốc lá còn làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp (do thuốc lá có những chất làm gan sản xuất enzym đi vào máu làm hạn chế tác dụng thuốc điều trị tăng huyết áp). Vì vậy, hãy ngừng hút thuốc.

2.2 Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể và thể chất mà còn giúp kiểm soát huyết áp cao, giữ cho trái tim khỏe mạnh.

Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên có thể giúp loại bỏ căng thẳng, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của huyết áp cao.

2.3 Chế độ ăn uống lành mạnh

Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và giúp kiểm soát huyết áp. Chọn chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, thịt nạc, nhiều chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt…

2.4 Kiểm soát cân nặng

Thừa cân, béo phì là một trong những nguy cơ gây tăng huyết áp. Kiểm soát cân nặng, duy trì một trọng lượng hợp lý cho cơ thể sẽ làm giảm mức độ căng thẳng cho tim và giúp điều chỉnh huyết áp.

photo-1655097513749

Tập thể dục thường xuyên giúp hỗ trợ giảm huyết áp.

2.5 Giảm muối

Ăn nhiều muối được biết là một yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp. Muối làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim mạch và thận đối với Adrenaline – một chất gây tăng huyết áp. Ngoài ra, khi ăn quá nhiều muối, sẽ ảnh hưởng đến thuốc điều trị tăng huyết áp (thuốc lợi tiểu).

Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

Do đó, cần giảm muối, đặc biệt đối với người tăng huyết áp bằng cách:

  • Giảm dần gia vị khi nấu ăn
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, bơ mặn, xúc xích, thịt nguội…
  • Hạn chế dùng gia vị có muối để chấm trong bữa ăn như nước mắm, tương cà chua, nước sốt pha sẵn…

2.6 Kiểm soát căng thẳng

Khi bị căng thẳng quá mức khiến tim đập nhanh hơn, làm cho các mạch máu co lại và gây tăng huyết áp. Nếu căng thẳng diễn ra thường xuyên sẽ khiến tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài, tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ.

Do vậy, biết cách kiểm soát căng thẳng là giải pháp rất quan trọng để kiểm soát huyết áp.

Các giải pháp kiểm soát căng thẳng có thể bao gồm: Thiền, kỹ thuật thở, yoga…

Mời độc giả xem thêm video:

Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà



BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn