1. Tỏi tốt cho bệnh đái tháo đường như thế nào?
1.1 Tăng tiết insulin
Tỏi được coi là có tác dụng tăng tiết hormone insulin và điều chỉnh lượng đường trong máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỏi có chứa hoạt chất allicin làm tăng tiết insulin từ các tế bào tuyến tụy.
Khi insulin tăng lên, nhiều glucose từ máu sẽ đi vào tế bào, do đó làm giảm khả năng sản xuất HbA1c. Tỏi cũng có thể làm giảm stress oxy hóa để hỗ trợ tiết insulin từ tuyến tụy.
Với khả năng làm tăng hàm lượng insulin trong cơ thể, tỏi có thể cải thiện khả năng dung nạp glucose. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho biết, tỏi có thể làm giảm viêm trong cơ thể do axit amin homocysteine, một trong những yếu tố gây bệnh chính của bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, tỏi có đặc tính chống viêm giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra, bao gồm đau tim, huyết áp cao và cholesterol.
1.2 Chỉ số đường huyết thấp
Tỏi là một loại thực phẩm hiếm có chỉ số đường huyết trong khoảng 10-20, chủ yếu là do tỏi không có bất kỳ loại carbohydrate phức tạp nào. Điều đó có nghĩa là tiêu thụ tỏi là một lựa chọn an toàn cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì sẽ không làm tăng lượng đường trong máu.
1.3 Tỏi giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa có thể bảo vệ cơ thể khỏi độc tố, gốc tự do và căng thẳng có thể dẫn đến các bệnh mạn tính. Nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa có thể làm giảm các biến chứng của bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả.
Ăn tỏi chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim. Do đó, nó có lợi cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, tiêu thụ tỏi có tác dụng mạnh mẽ trong việc tăng cường cơ chế bảo vệ của cơ thể, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Tỏi cũng chứa nhiều vitamin C hỗ trợ hệ thống miễn dịch và các chức năng cần thiết của cơ thể.
Hơn nữa, tiêu thụ tỏi còn giúp hỗ trợ giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ và đau tim, do tỏi tạo ra sự tổng hợp oxit nitric làm giãn mạch máu và hỗ trợ huyết áp khỏe mạnh.
Tỏi có chỉ số đường huyết thấp, tốt cho người bệnh đái tháo đường.
2. Cách tăng cường sử dụng tỏi có lợi cho sức khỏe người bệnh đái tháo đường
2.1 Ăn tỏi sống khi bụng đói
Ăn tỏi sống khi bụng đói có thể giúp hỗ trợ giảm cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch. TS. Annu Lalbabu Prasad, chuyên gia Ayurveda (hệ thống y học truyền thống) tại Ấn Độ giải thích, allicin - một hợp chất có trong tỏi sống, được biết đến với đặc tính làm giảm cholesterol và làm loãng máu.
Để đạt được hiệu quả này, bạn nên ăn một vài nhánh tỏi sống với một cốc nước vào buổi sáng. TS. Prasad cho biết, allicin bị pha loãng khi nấu chín, vì vậy cách lý tưởng để phát huy tác dụng của tỏi là ăn sống và ăn khi bụng đói.
Do đó, ăn tỏi sống với một cốc nước là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe tim mạch, kiểm soát bệnh đái tháo đường và giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Để tránh bị hôi miệng, bạn có thể dùng chanh, giấm táo hoặc nước nóng để khắc phục.
Ăn tỏi sống tốt cho người bệnh đái tháo đường.
2.2 Uống trà tỏi
Trà tỏi thường được những người thích hương vị tỏi nhẹ hơn sử dụng. Để chuẩn bị trà tỏi, bạn cần nghiền nát một tép tỏi + một cốc nước. Đun sôi tỏi và nước trong vài phút rồi thêm 1-2 thìa cà phê quế. Để hỗn hợp ngấm trong vài phút trước khi tắt lửa.
Cuối cùng, thêm một thìa mật ong và nửa thìa nước cốt chanh. Tách trà tỏi có hương vị và tăng cường miễn dịch này vào buổi sáng có thể giúp bạn khỏe mạnh.
Trà tỏi dành cho những người không thích vị hăng nồng của tỏi sống.
2.3. Tỏi và mật ong
Kết hợp tỏi với mật ong là một cách hiệu quả khác để đưa tỏi vào thói quen hàng ngày.
Cách thực hiện: Cắt một tép tỏi thành ba đến bốn miếng sau đó thêm một vài giọt mật ong vào và để yên trong vài phút rồi nhai tỏi và nuốt.
Nếu mùi vị quá nồng, bạn có thể nhấp vài ngụm nước ấm. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị một hỗn hợp bằng cách kết hợp 10 tép tỏi thái lát với 5 thìa mật ong và uống một thìa hỗn hợp này khi bụng đói hàng ngày để giảm bớt các triệu chứng trào ngược axit và nôn trớ.
Tỏi và mật ong được kết hợp để giảm vị hăng giúp người bệnh đái tháo đường ăn được nhiều hơn.
2.4. Tỏi nướng
Tỏi nướng có vị hơi ngọt và mùi hăng nồng của tỏi giảm đi nhiều. Để nướng tỏi, cắt bỏ phần đầu của củ tỏi, để lộ các tép tỏi. Làm ướt tỏi bằng dầu ô liu và bọc nó trong giấy bạc.
Nướng trong lò ở nhiệt độ 400°F (200°C) trong khoảng 30-35 phút hoặc cho đến khi tép trở nên mềm và vàng. Sau khi nguội, lấy các tép tỏi đã nướng ra khỏi vỏ và phết lên bánh mì hoặc trộn vào nước chấm và nước sốt.
Tỏi nướng làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho các món ăn đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Sản phẩm tỏi sau khi nướng.
2.5. Sử dụng tỏi trong nấu ăn hàng ngày
Một trong những cách dễ nhất để kết hợp tỏi vào chế độ ăn uống hàng ngày là thêm vào các bữa ăn thông thường. Tỏi kết hợp tốt với nhiều món ăn, bao gồm rau, cà ri, món hầm, súp và món xào.
Băm nhuyễn hoặc nghiền nhỏ tép tỏi rồi xào với một ít dầu trước khi thêm các nguyên liệu khác để món ăn có hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tỏi nấu chín có thể làm giảm hiệu lực của allicin, vì vậy nếu bạn muốn tối đa hóa lợi ích sức khỏe của tỏi, hãy thêm tỏi sống băm nhỏ vào thức ăn đã nấu chín ngay trước khi ăn.
Tỏi thường được sử dụng trong các món xào.
2.6. Dầu tỏi
Dầu tỏi là một cách thuận tiện khác để tận hưởng những lợi ích của tỏi. Dầu ngâm tỏi có thể được sử dụng trong nấu ăn, trộn salad hoặc làm nước xốt.
Để làm dầu tỏi, bạn bóc vỏ và nghiền nát vài tép tỏi, sau đó trộn một chén dầu ăn chẳng hạn như dầu ô liu hoặc dầu bơ, trong một cái chảo. Đun hỗn hợp trên lửa nhỏ trong khoảng 10 phút, đảm bảo rằng tỏi không bị cháy.
Tắt bếp và để nguội. Lọc dầu, loại bỏ các miếng tỏi, đựng dầu trong chai sạch, kín khí và bảo quản trong tủ lạnh tối đa hai tuần. Sử dụng dầu tỏi như một chất bổ sung thơm ngon cho các món ăn hàng ngày.
Dầu tỏi được chế biến để dùng dần khi nấu ăn.
Mời bạn xem tiếp video:
Cách Tạo Hỗn Hợp Mật Ong Chữa Ho | SKĐS