1. Tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus
Với những tiến bộ trong điều trị HIV, việc điều trị sớm bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể giúp đưa tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được. Khi HIV không thể phát hiện được, nó khó có thể lây truyền sang người khác.
Khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus (tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.
Tuy nhiên, "Không phát hiện = Không lây truyền" không áp dụng được cho lây truyền từ mẹ sang con vì đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định khi tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, nếu một phụ nữ nhiễm HIV được điều trị ARV đạt được và duy trì được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, khi mang thai sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong khi mang, khi sinh hoặc khi cho con bú bằng sữa mẹ. Không những thế, việc điều trị đúng cách có thể ngăn ngừa HIV tiến triển thành AIDS.
Do đó, việc kiên trì điều trị bằng thuốc kháng virus là điều rất quan trọng, mà người bệnh có thể làm cho sức khỏe của mình. Tuy nhiên, do thuốc phải uống hàng ngày vào giờ nhất định nên có thể gặp vài khó khăn trong việc tuân thủ dùng thuốc, nhưng có thể khắc phục bằng cách như: Đặt chuông báo thức, mang thêm thuốc nếu bạn phải đi du lịch, công tác…
2. Thực hiện lối sống lành mạnh
Một lối sống lành mạnh có thể cải thiện năng lượng và tâm trạng của người bệnh, giúp người bệnh thêm kiên định với việc điều trị, đồng thời cũng là động lực giúp kiểm soát mọi tác dụng phụ khi dùng thuốc ARV.
Người nhiễm HIV nên thực hiện lối sống lành mạnh, bao gồm:
- Chế độ ăn uống khoa học: Bữa ăn cần đầy đủ dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm gồm tinh bột, đạm, chất xơ và vitamin
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya.
- Tránh xa những đồ uống gây hại, có chứa các chất gây nghiện (rượu bia, thuốc lá, chất kích thích)…
3. Quan hệ tình dục an toàn
Người nhiễm HIV nên thực hiện các hành vi tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV sang bạn tình.
4. Tránh xa stress
Các chuyên gia cho hay, việc mặc cảm về bệnh khiến người nhiễm HIV lo âu, căng thẳng hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh trở nên nghiêm trọng. Do đó, người nhiễm HIV nên suy nghĩ tích cực, tự động viên bản thân để tránh những lo âu, căng thẳng, chán nản, tuyệt vọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người nhiễm HIV không nên quá lo lắng, suy sụp mà cần nhanh chóng vượt qua cảm giác sốc ban đầu, lấy lại niềm tin cuộc sống để có thể bảo vệ sức khỏe của chính mình. Chỉ khi giữ tinh thần lạc quan và vui sống, người nhiễm HIV mới có thể quý trọng cơ thể của chính mình, ăn uống và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe.
5. Nên chia sẻ với người thân, bạn bè
Người nhiễm HIV rất dễ có tâm lý mặc cảm, bị bỏ rơi. Điều này khiến việc điều trị khó đạt được hiệu quả như không ăn, không uống thuốc, không hợp tác điều trị…
Do đó, người nhiễm HIV nên chia sẻ cùng những người thân, bạn bè, để nhận được sự động viên, quan tâm, tránh cảm giác bị bỏ rơi và mặc cảm. Với bệnh nhân HIV, sự quan tâm và chia sẻ của những người đồng cảm, cùng cảnh ngộ, người thân và bạn bè là liều thuốc tốt nhất.
6. Có đủ kiến thức về các bệnh nhiễm trùng cơ hội
Nhiễm trùng cơ hội là các bệnh lý nhiễm trùng đặc thù thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, nhất là những người nhiễm HIV. Các bệnh nhiễm trùng cơ hội có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe khi hệ miễn dịch của người nhiễm HIV suy yếu, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong ở người nhiễm HIV.
Do đó, để có thể sống chung khỏe mạnh với HIV, người nhiễm HIV cần có kiến thức nhất định về nguyên nhân, hệ lụy và cách ứng phó với các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, cần duy trì thói quen khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.
Người nhiễm HIV không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.
Một số các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp:
- Nhiễm virus Herpes simplex 1 (gây loét trên môi và miệng);
- Nhiễm Salmonella;
- Nhiễm nấm Candida, một bệnh nhiễm nấm ở miệng, phế quản, khí quản, phổi, thực quản hoặc âm đạo.
- Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasmosis: Ảnh hưởng đến phổi và cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như thận, não, da, hạch bạch huyết và mắt.
- Viêm phổi do Pneumocystis (PCP), một bệnh nhiễm trùng phổi do nấm (Pneumocystitis jiroveci).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khó khăn trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho đồng bào dân tộc miền núi.