Hà Nội

6 cách giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe trong mùa đông

SKĐS- Người bệnh đái tháo đường có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh do bị tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất và sử dụng insulin của cơ thể. Tuy nhiên, nếu người bệnh có những điều chỉnh phù hợp, duy trì kế hoạch quản lý bệnh sẽ giúp họ sống khỏe ngay cả khi trời lạnh giá.

Một nghiên cứu được công bố trên PLOS Medicine vào năm 2018 cho thấy, số ca nhập viện ở những người mắc bệnh đái tháo đường tăng mạnh khi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.

Nhiệt độ giảm mạnh và thời tiết khắc nghiệt có thể khiến việc duy trì sức khỏe khó khăn hơn. Dưới đây là những biện pháp cụ thể giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết và giữ gìn sức khỏe tốt hơn.

1. Không để thuốc hay máy đo đường huyết bị ảnh hưởng do lạnh

Lynn Grieger, chuyên gia về bệnh đái tháo đường tại Mỹ cho biết, cũng giống như nhiệt độ quá cao, thời tiết quá lạnh có thể ảnh hưởng đến insulin và khiến máy đo đường huyết hoạt động không chính xác. Do đó, không nên để các thiết bị này và insulin trong xe khi nhiệt độ bên ngoài quá lạnh mà nên giữ chúng ở trong phòng.

2. Bảo vệ bản thân khỏi COVID-19 và bệnh cúm

Mùa đông khí hậu lạnh giá và gia tăng bệnh cúm, điều này có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh đái tháo đường.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm 2022 trên Open Forum Infectious Diseases cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường có khả năng phải nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến cúm cao hơn gần 60% so với những người không mắc bệnh đái tháo đường.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thế giới về các trường hợp lâm sàng năm 2021, các biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 cũng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường.

Chính vì vậy, rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên để không lây lan vi trùng là điều hết sức cần thiết. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang vừa vặn, đặc biệt nếu mức độ lây lan COVID-19 trong cộng đồng cao tại khu vực bạn sinh sống và thực hiện giãn cách xã hội trong nhà ở những nơi công cộng.

Ngoài ra, Angela Ginn, chuyên gia bệnh đái tháo đường tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore, Mỹ khuyến nghị những bệnh nhân đái tháo đường nên chuẩn bị sẵn một số đồ dùng cần thiết trong nhà, phòng khi bị ốm như thuốc ho không đường, trà...

photo-1670812969896

Người bệnh đái tháo đường nên tiêm phòng cúm và vaccine COVID-19.

3. Lên kế hoạch chi tiết cho kỳ nghỉ

Kỳ nghỉ Tết là kỳ nghỉ dài trong thời tiết lạnh nên việc quản lý bệnh đái tháo đường type 2 trong những ngày này có thể khó khăn. Nhiều món ăn truyền thống chứa nhiều carbohydrate sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên. CDC khuyến cáo người bệnh nên lập kế hoạch cho các bữa ăn của mình và thực hiện ăn uống điều độ để tránh tăng cân. Điều quan trọng là phải tránh hoặc hạn chế uống rượu, vì nó có thể làm giảm lượng đường trong máu và tương tác với thuốc trị tiểu đường.

4. Luôn chú ý đến đôi chân

Bệnh tiểu đường có thể gây mất cảm giác ở ngón chân và bàn chân. Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị bảo vệ chúng bằng giày dép mùa đông phù hợp, dùng tất thấm ẩm để giữ chân và bàn chân khô ráo. Bên cạnh đó, cần thoa kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa nhiễm trùngkiểm tra thường xuyên. Trường hợp thấy vết thương không lành, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

6 cách giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe trong mùa đông - Ảnh 3.

Người bệnh đái tháo đường cần luôn chú ý chăm sóc và phát hiện bất thường ở bàn chân.

5. Làm ấm tay trước khi thử đường huyết

TS. Lori R. Roust, chuyên gia đái tháo đường tại Mỹ cho biết, người bệnh đái tháo đường nên làm ấm bàn tay bằng cách rửa tay trong nước ấm, trước khi thử đường huyết để có được kết quả chính xác.

6. Không bỏ bê tập luyện

Có thể khó có động lực để tập thể dục vào mùa đông, đặc biệt khi có mưa phùn. Tuy nhiên, tập thể dục lại là một phần quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu. Chính vì vậy, để không làm gián đoạn việc tập luyện, người bệnh có thể tránh tập ngoài trời mà chuyển vào trong nhà với các hoạt động phù hợp như đi cầu thang bộ, đi vòng quanh nhà, tập tạ hay tập thể dục qua video...

Mời bạn xem tiếp video:

Những bộ phận của gà bạn tuyệt đối không nên ăn| SKĐS


Lê Thu Lương
Theo everydayhealth
Ý kiến của bạn