Nhiệt độ xuống thấp là điều kiện thuận lợi cho các bệnh viêm họng phát triển. Dưới đây là một số phương pháp đơn giản giúp ngăn ngừa các "vấn đề" ở cổ họng mà không phải dùng đến thuốc kháng sinh.
1. Giữ ấm cơ thể
Ngoài nguyên nhân là do virus thì thời tiết lạnh cũng là một nguyên nhân dễ dẫn đến đau, viêm họng.
Khoa học chứng minh, khi ngủ, cơ thể bạn giảm nhiệt, sẽ rất dễ nhiễm lạnh nếu nhiệt độ phòng không đủ ấm. Nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm họng, viêm nhiễm các xoang.
Do vậy để bảo vệ sức khỏe, phải giữ ấm cho cơ thể khi đi ngủ. Đặc biệt là những ngày trời lạnh giá, cần phải sử dụng chăn đắp và làm ấm những khu vực dễ bị nhiễm lạnh như cổ họng.
Nhiều người vì lo sợ bệnh viêm họng tái nhiễm, thường chuẩn bị một chiếc khăn mỏng, nhỏ che cổ họng khi ngủ. Bên cạnh đó, bàn chân cũng không nên để lạnh, có thể đi tất hoặc bôi một ít dầu chàm vào gan bàn chân để giữ ấm khi ngủ..
Khi có việc ra ngoài đường, nên hạn chế tiếp xúc không khí lạnh bằng việc đeo khẩu trang, vừa có tác dụng ngăn ngừa bụi bẩn vừa có tác dụng ủ ấm cho đường hô hấp trên. Giữ ấm cho tai cũng rất quan trọng.
2. Súc miệng bằng nước muối
Muối không chỉ là một loại gia vị chế biến món ăn mà nó còn có ích lợi để phòng, chữa nhiều bệnh. Súc miệng bằng nước muối vô cùng đơn giản nhưng mang lại những công dụng tốt đối với răng miệng nhất là khi thời tiết lạnh thì việc xúc miệng nước muối càng cần thiết.
Theo các chuyên gia y tế, việc súc miệng bằng nước muối vào thời gian buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ từ 2 - 3 lần/ngày sẽ đem lại tác dụng nhất và nước muối sinh lý 0,9% là phù hợp nhất với cơ thể người.
3. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ cũng dễ dẫn đến vi khuẩn nảy sinh dẫn đến đau họng. Không chỉ vệ sinh răng miệng, bàn chải đánh răng cũng cần được vệ sinh thường xuyên bằng cách ngâm vào nước ấm trước khi đánh răng vào buổi sáng để loại bỏ những loại vi khuẩn bám trên bàn chải.
4. Dùng đồ uống ấm, nóng
Vùng cổ họng là nơi trực tiếp thực hiện chức năng nuốt nước vào trong cơ thể nên khi nước ấm đi qua bộ phận này sẽ làm giãn mạch máu, giúp máu ở cổ họng lưu thông tốt hơn. Khi máu lưu thông thuận lợi, các niêm mạc vùng hầu họng hoạt động hiệu quả hơn, từ đó nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng chống lại nguy cơ xâm nhập của các tác nhân gây hại từ môi trường.
Khi uống nước ấm cần lưu ý không uống nước nóng quá gây bỏng niêm mạc họng. Nhiệt độ của nước ấm nên dưới 50 độ C, thích hợp nhất là trong khoảng từ 37-45 độ C. Khi uống, nên uống từng ngụm nhỏ để nước từ từ đi qua vùng họng.
Uống nước ấm hoặc có thể nấu một số loại nước tốt cho cổ họng để uống như: trà mật ong, trà gừng, nước bột nghệ. Có thể uống nửa cốc nước ấm hòa với 5g muối và một nhúm bột nghệ vào mỗi tối, đặc biệt trong những mùa dễ bị dị ứng, để bảo vệ cổ họng. Củ nghệ có đặc tính chống dị ứng, giúp bảo vệ cổ họng chống lại các nguồn lây bệnh do dị ứng. Hoặc thêm một ít mật ong vào trà hoặc vào hầu hết các đồ uống khác để tăng thêm năng lượng, phòng tránh những bệnh đường hô hấp khi trời khô lạnh và đặc biệt hữu hiệu để chữa cổ họng bị sưng đau.
5. Chú ý về chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp tăng sức đề kháng, đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường.
Riêng đối với phòng bệnh hô hấp, cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin A bởi Vitamin A tăng cường tế bào biểu mô của hệ hô hấp, tăng cường chất dịch nhày của hệ hô hấp. Những chất dịch nhày này ngăn ngừa sự tấn công của vi trùng, vi khuẩn .....
Vitamin A có trong các loại rau màu xanh thẫm, quả màu đỏ, vàng như quả: đu đủ, dưa hấu, quả hồng, cà chua, rau dền đỏ, bưởi, cam, quýt...
Lưu ý, cần ăn thức ăn nóng, tuyệt đối không ăn thức ăn lấy trong tủ lạnh ra. Bên cạnh đó, nên ăn các loại thức ăn có tính nóng, ấm như ăn thịt bò kho gừng,...các loại thức ăn, gia vị có chứa kháng sinh cao như: tỏi, nghệ. Trong tỏi có chất kháng sinh rất mạnh và có chất chống oxy hóa phòng tránh ung thư. Kể cả tỏi ta, tỏi tây và hành lá đều có lượng kháng sinh tốt.
6. Hạn chế sử dụng chất kích thích
Nhiều người nghĩ rượu có thể giữ ấm cơ thể hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên, rượu, bia và những thức uống có cồn đều không tốt cho sức khỏe. Nếu uống quá nhiều có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm suy giảm các hoạt động của các tế bào bạch cầu có tác dụng chống lại nhiễm trùng, dẫn đến các căn bệnh dễ lây nhiễm nếu tiếp xúc với vi khuẩn, virus.
Việc lạm dụng bia rượu và những loại đồ uống chứa cồn có thể khiến niêm mạc ở cổ bị kích thích. Điều này khiến tuyến niêm mạc họng tiết nhiều chất nhầy hơ. Ngoài ra, khi dùng rượu bia, cổ họng cũng có thể tiết ra nhiều đờm, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây viêm, sưng đau niêm mạc.
Với những người bị nhiễm lạnh hay cơ thể suy nhược, việc uống rượu sẽ phản tác dụng, thậm chí dẫn đến đột quỵ. Đồng thời, không nên hút thuốc vì khói thuốc lá làm tổn thương đường hô hấp, dễ gây ra các bệnh viêm đường hô hấp và cảm lạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo trẻ mắc COVID-19 tuyệt đối không được uống những loại thuốc nào?