Hiện nay, suy thận ngày càng trẻ hóa, có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đến thăm khám được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Bên cạnh đó còn một số bệnh lý thận thường gặp như: sỏi thận, hội chứng thận hư… Vậy cần làm gì để bảo vệ thận?
Để giảm các nguy cơ gây suy thận, trước hết cần có chế độ dinh dưỡng khoa học ăn uống điều độ, ăn sạch đồng thời kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có.
Ăn giảm muối
Mọi người cần hạn chế việc ăn đồ ăn quá mặn, bên cạnh đó đồ ăn quá ngọt cũng không tốt. Việc ăn mặn sẽ làm tăng lượng muối nạp vào cơ thể. Điều này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn tới tình trạng thận quá tải. Từ đó dẫn tới tình trạng tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý suy thận.
Tuy nhiên, mọi người cần phân biệt việc ăn giảm muối với việc cắt giảm hoàn toàn muối trong khẩu phần ăn. Muối đóng vai trò giúp duy trì áp lực thẩm thấu và cân bằng nước trong và ngoài tế bào, trong lòng mạch máu, thăng bằng kiềm toan… Việc ăn quá nhạt cũng gây hại cho sức khỏe, việc kiêng muối quá mức có thể gây ra hạ natri máu xuống quá thấp.
Bên cạnh việc ăn giảm muối, mọi người cần ăn giảm lượng đạm, tăng cường hoa quả, rau xanh, chất xơ trong thực đơn hàng ngày. Việc ăn giảm lượng đạm nhằm tránh quá tải cho thận.
Uống đủ nước để bảo vệ thận
Mỗi người nên uống đủ từ 2-3 lít nước mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp thận hoạt động tốt mà còn tốt cho hoạt động của cả cơ thể.
Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày
Việc tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý. Mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc 5 ngày trong tuần. Một số môn thể dục có thể lựa chọn là đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội…
Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Ngoài ra, mọi người cần lưu ý việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý để giảm tải những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng liên quan tới việc phòng ngừa và ngăn chặn các biến chứng do suy thận. Người dân nên thăm khám sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng – 1 năm/lần để phát hiện sớm những bất thường nếu có.
Kiểm soát bệnh nền tốt
Những người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… cần kiểm soát tốt bệnh nền, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh có thể thường xuyên kiểm tra huyết áp, đường máu để phát hiện sớm những bất thường. Bên cạnh đó, người bệnh tuyệt đối không được bỏ thuốc hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Không tự ý sử dụng thuốc
Việc sử dụng thuốc không có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thận đặc biệt là các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, các loại thuốc không rõ nguồn gốc… Do vậy, khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe, người dân nên tới cơ sở y tế để thăm khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm video được quan tâm:
Có hàng trăm viên sỏi trong thận do lười uống nước - SKĐS