Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể là có thể có những biểu hiện bất thường đầu tiên khi thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Thiếu vitamin và khoáng chất phổ biến ở những nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người ăn kiêng, bệnh lý hệ thống, rối loạn hấp thu tiêu hóa...
Vậy, khi cơ thể thiếu vitamin thì da có các biểu hiện thế nào?
Da khô, sần sùi - thiếu vitamin C
Khi thiếu vitamin C trong cơ ngoài việc khiến da khô nẻ, móng và tóc dễ bị khô xơ còn khiến tình trạng dày sừng nang lông phát triển. Khi bị dày sừng nang lông, da sẽ trở nên sần sùi do tích tụ keratin bên trong lỗ chân lông.
Triệu chứng của thiếu vitamin c là bệnh Scurvy, biểu hiện sau 1-3 tháng thiếu vitamin C, thường ở trẻ em 6-24 tháng. Bệnh nhân thường mệt mỏi, giảm cân, tiêu chảy, chuỗi hạt sườn ở mạn sườn, thiếu máu, xuất huyết. Tổn thương da gồm có: xuất huyết, sưng lợi, dày sừng nang lông, kèm theo lông cuộn ngược.
Vitamin C là một vitamin tan trong nước, có nhiều ở chanh, rau xanh, sữa. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong hình thành collagen và xúc tác enzym, chống oxi hóa.
Cách bổ sung vitamin C tốt nhất là qua đường thực phẩm. Do đó, trong chế độ ăn hằng ngày cần tăng cường những thực phẩm giàu vitamin C vào bữa ăn. Rất đa dạng các nhóm rau củ quả giàu vitamin C như: Măng tây, bông cải xanh, cà chua, cần tây, dứa, táo, ổi, cam, quýt, bưởi...
Da dễ bị ngứa, khô, tróc vảy - thiếu vitamin A
Biểu hiện của thiếu vitamin A là dày sừng nang lông, da khô, bong vảy, tóc thưa, sợi tóc mỏng. Bởi vitamin A giúp duy trì độ ẩm của da, bảo vệ da chống lại xâm nhập của vi khuẩn. Loại bỏ các tế bào da chết trên bề mặt da. Giúp loại bỏ các nhiễm trùng trên da, chống lại tình trạng khô và tróc vảy trên da. Giúp máu lưu thông được tới bề mặt da cho da được nuôi dưỡng đầy đủ dưỡng chất từ đó cho chúng ta làn da hồng hào, tươi khỏe.
Chính vì vậy, nếu thiếu vitamin A sẽ làm cho da bị nhiễm khuẩn gây ngứa, khô, tróc vảy, da sần sùi, các tuyến nhờn ít hoạt động.
Thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu vitamin A bao gồm các loại rau có màu da cam như khoai lang, bí đỏ, cà rốt và bí. Các loại rau lá xanh như rau bina và rau diếp cũng chứa nhiều vitamin A. Một số loại trái cây là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào gồm xoài, xoài, đu đủ, dưa đỏ và mơ. Sữa và pho mát mềm cũng rất giàu vitamin A. Do vậy, nên ưu tiên bổ sung vitamin A thông qua thực phẩm như trái cây, rau củ, thịt, cá, sữa, chế phẩm từ sữa,…
Da bị mụn, dễ viêm mẩn đỏ và da khô - thiếu vitamin B1
Thiếu vitamin B1 sẽ khiến da nhăn nheo, lão hóa nhanh, tóc gặp tình trạng xơ rối, khô, chẻ ngọn, gãy rụng. Bởi vitaminB1 là chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do nhờ đó ngăn ngừa tình trạng da lão hóa, nhăn nheo, chảy xệ. Ngoài ra, Vitamin B1 còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa các chất từ thức ăn. Vì vậy mà quá trình tái tạo da diễn ra nhanh hơn, da ngày càng trở nên đẹp hơn.
Thiếu vitamin B1 sẽ gây ra tình trạng da bị mụn, dễ viêm da mẩn đỏ và da khô, bong tróc. Nếu thiếu hụt trầm trọng sẽ có các biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, nôn, buồn nôn, đau bụng, chán ăn, yếu cơ, giảm cân.
Vitamin B1 chủ yếu có từ nguồn các loại hạt nguyên cám, bột mì, đậu, cá, thịt… Do đó, trong chế độ ăn uống hàng ngày nên bổ sung các thực phẩm như ngũ cốc, trứng, sữa, đậu xanh, hạt vừng, rau chân vịt...
Da khô, môi mứt nẻ, dễ viêm da ở mặt - thiếu vitamin B2
Biểu hiện của thiếu vitamin B2 là hội chứng mắt-miệng-sinh dục. Tổn thương da gồm khô môi, mất nhú lưỡi, ngứa, viêm da ở mặt, quanh hậu môn dạng viêm da dầu. Tổn thương mắt gồm có viêm kết mạc, giác mạc, nhạy cảm ánh sáng, chảy nước mắt.
Khi thiếu vitamin B2 da tiết nhiều dầu hơn, xuất hiện mẩn đỏ và viêm chân lông; da sẽ bị lão hóa sớm, xuất hiện nếp nhăn, khô, bong tróc; móng tay, tóc dễ bị khô gãy.
Vitamin B2 là loại vitamin tan trong nước, chủ yếu có nguồn gốc động vật, rau xanh, nấm ,hạt hạnh nhân, bông cải xanh, thịt đỏ, trứng, sữa, rong biển,... Nên bổ sung các loại thực phẩm này trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Viêm da, da khô, tăng sắc tố, da dễ bong vảy - thiếu vitamin B3
Vitamin B3 (Niacin, nicotinamide, vitamin PP) là loại vitamin có vai trò quan trọng trong các chuỗi chuyển hóa năng lượng, vận chuyển electron, có nhiều trong thịt động vật, ngũ cốc.
Biểu hiện điển hình của thiếu niacin mắc phải là bệnh Pellagra, biểu hiện bởi 3D (viêm da, tiêu chảy, rối loạn tâm thần). Tổn thương da là đỏ da đối xứng ở vùng tiếp xúc ánh sáng (tay, cổ, mặt), sau đó tổn thương trở nên khô, tăng sắc tố, bong vảy, đóng vảy tiết, ít khi có bọng nước. Tổn thương niêm mạc gồm có viêm môi, lưỡi teo, đỏ, viêm quanh hậu môn sinh dục.
Chẩn đoán thiếu vitamin B3 bằng đo lượng N-methylnicotinamid trong nước tiểu. Nguyên nhân hay gặp là do thiếu dinh dưỡng, nghiện rượu, chế độ ăn nhiều ngô, suy giảm hấp thu tryptophan, bệnh tiêu hóa ruột, rối loạn tâm thần.
Da gàu - thiếu vitamin B7
Khi da đầu bị gầu là dấu hiệu của tình trạng thiếu biotin, vitamin B7 hoặc các axit béo cần thiết. Khắc phục bằng cách bổ sung các thực phẩm từ cá như cá hồi, cá ngừ...và các loại hạt như: hạt dẻ, hạnh nhân, lạc, hạt hướng dương....
Ngoài ra, nếu da có các biểu hiện khô, tê bì, sạm… thì có thể là thiếu các vitamin khác như: vitamin D, vitamin E…
Tóm lại: Khi chế độ ăn thiếu cân bằng, ăn kiêng cơ thể sẽ thiếu hụt vitamin và có thể nhìn thấy biểu hiện rõ trên da cơ thể hoặc trên mặt. Để có một làn da khỏe và đẹp ngoài việc chăm sóc da thì còn phải có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý.
Ưu tiên thực phẩm lành mạnh nhiều rau xanh, quả chín, tránh dùng các loại thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là thức ăn chứa nhiều chất béo có hại, chất dầu mỡ, gia vị nóng cay, các loại thức uống có cồn, ga. Nên tập thể dục hàng ngày – cũng là một giải pháp giúp cho chúng ta có một làn da trẻ, khỏe và đẹp.