1. Hội chứng ruột kích thích và căng thẳng có mối quan hệ thế nào?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt là một rối loạn chức năng nhưng không có tổn thương thực thể với các triệu chứng chính như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón…
Theo TS. BS. Elena Ivanina, chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Lenox Hill ở Thành phố New York, Mỹ cho biết, hội chứng ruột kích thích và căng thẳng, lo lắng có mối quan hệ hai chiều.
Nghĩa là, những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo âu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích, và ngược lại, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng và lo lắng.
Theo Johns Hopkins Medicine, nguyên nhân xảy ra mối tương quan này là do trục não - ruột, hệ thống liên lạc giữa đường tiêu hóa và não. Nghĩa là, não bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày, đường ruột và ngược lại.
Điều này đặc biệt xảy ra với những người mắc hội chứng ruột kích thích vì não của họ phản ứng nhanh hơn với các tín hiệu đau từ đường tiêu hóa, vì vậy người bệnh có xu hướng cảm nhận cơn đau sâu sắc hơn những người khác và căng thẳng có thể làm cho cơn đau hiện tại tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, theo BS. William Chey, thành viên ban giám đốc của Tổ chức Quốc tế về Rối loạn Tiêu hóa (IFFGD), nhiều liệu pháp kiểm soát căng thẳng có thể giúp giảm bớt sự khó chịu ở cả não và ruột, giảm hội chứng ruột kích thích hiệu quả.
Hội chứng ruột kích thích và căng thẳng, lo âu có mối quan hệ hai chiều.
2. Những biện pháp giảm hội chứng ruột kích thích do căng thẳng
2.1. Thôi miên tập trung vào hệ tiêu hóa
Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH), liệu pháp thôi miên là phương pháp can thiệp cơ thể - tâm trí phổ biến nhất được sử dụng cho hội chứng ruột kích thích.
Trong liệu pháp thôi miên hướng vào ruột, người bệnh sẽ được đưa vào trạng thái nhận thức tập trung nhưng thoải mái và sử dụng gợi ý và hình ảnh để làm dịu đường tiêu hóa đồng thời chuyển hướng tập trung ra khỏi sự khó chịu trong cơ thể.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mắc hội chứng ruột kích thích trải qua thôi miên có xu hướng giảm các triệu chứng đáng kể và lâu dài.
Liệu pháp thôi miên có tác dụng tích cực với chứng IBS.
2.2. Liệu pháp hành vi nhận thức
Liệu pháp hành vi nhận thức được sử dụng để điều trị một loạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần - cũng có thể giúp ích cho những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Chẳng hạn, liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp người bệnh hội chứng ruột kích thích điều chỉnh lại suy nghĩ để họ không còn sợ ra khỏi nhà vì không tìm thấy hoặc không được dùng nhà vệ sinh.
2.3. Thở bằng cơ hoành
Cơ hoành là một cơ vân dẹt, rộng, có hình vòm, làm thành một vách ngăn giữa lồng ngực và ổ bụng.
Thở bằng cơ hoành còn được gọi là thở sâu hoặc thở bụng. Bài tập này tập trung vào việc di chuyển bụng khi hít vào và thở ra theo từng hơi thở chứ không phải lồng ngực.
Theo Harvard Health Publishing, kỹ thuật này không chỉ điều chỉnh nhịp tim và huyết áp mà cơ hoành - cơ lớn bên dưới phổi - cũng có thể xoa bóp các cơ quan đường ruột, đặc biệt hữu ích trong trường hợp khẩn cấp và làm dịu hệ thống tiêu hóa để giúp điều trị bệnh tiêu chảy cũng như giúp thư giãn ruột kết hỗ trợ trị táo bón.
Hình ảnh cơ hoành trong cơ thể.
2.4. Hoạt động thể chất
TS. Chey, giáo sư khoa học y học và dinh dưỡng tại Michigan Medicine, Mỹ cho biết, bất kỳ loại bài tập thể dục cường độ vừa phải nào cũng mang lại lợi ích tiềm năng cho người bệnh hội chứng ruột kích thích và sức khỏe tổng thể.
Trong một nghiên cứu, được công bố vào tháng 1 năm 2015 trên Tạp chí Thế giới về Tiêu hóa, những người mắc hội chứng ruột kích thích tập thể dục nhịp điệu vừa phải (thường là đi bộ hoặc đạp xe khoảng 5 giờ một tuần) đã báo cáo giảm các triệu chứng và cảm thấy bớt mệt mỏi, bớt lo lắng và bớt trầm cảm hơn. Thêm vào đó, hoạt động thể chất nói chung được chứng minh có tác dụng giảm căng thẳng.
2.5. Yoga
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2015 trên Tạp chí Y học Tích hợp Châu Âu cho thấy, một giờ tập yoga ba lần một tuần trong ba tháng giúp giảm đáng kể các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm bớt lo lắng.
Hoạt động thể chất và một số động tác yoga có tác dụng giảm căng thẳng và các triệu chứng IBS.
2.6. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc tâm thần theo chỉ định của bác sĩ cũng có thể điều trị hội chứng ruột kích thích và lo âu. Theo Trung tâm Rối loạn chức năng GI & Vận động của Đại học Bắc Carolina, Mỹ, có ba nhóm thuốc chống trầm cảm điều trị cả não và ruột bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc và thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc.
Mời bạn xem tiếp video:
Điều gì xảy ra khi sử dụng cốc nước trong một tuần không rửa