Nếu chất lượng giấc ngủ kém kéo dài sẽ khiến bạn mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Những cách có được giấc ngủ ngon đơn giản dễ thực hiện dưới đây sẽ cho hiệu quả bất ngờ.
Giấc ngủ tốt đem lại lợi ích gì cho sức khỏe?
Trung bình, mỗi người trưởng thành cần 6-8 tiếng/ ngày để ngủ và đối với trẻ em, thanh thiếu niên sẽ là 10 -12 tiếng để ngủ mỗi ngày. Một giấc ngủ ngon cần đảm bảo: Ngủ tự nhiên (hay là ngủ sinh học), ngủ đủ giấc, ngủ sâu giấc, không trằn trọc, bị tỉnh giấc và không gây đau nhức cơ thể, mệt mỏi sau khi tỉnh dậy.
Giấc ngủ ngon đem lại các lợi ích sau:
- Hạn chế nguy cơ tăng cân, béo phì.
- Giúp bạn ăn uống ngon miệng và lành mạnh hơn, đảm bảo sức khỏe và cân nặng tốt.
- Giữ được sự tỉnh táo, tập trung tốt hơn và từ đó năng suất làm việc cũng cao hơn.
- Cải thiện hơn về mặt tốc độ, độ chính xác, khả năng phán đoán và phản ứng khi hoạt động thể dục thể thao.
- Ngược lại nếu chất lượng giấc ngủ kém, tốc độ di chuyển của họ chậm hơn, sức bền kém hơn và khả năng phán đoán xử lý cũng yếu đi.
- Khi bạn ngủ đủ giấc, não bộ sẽ tổ chức lại các luồng xung động thần kinh bị rối loạn trong giấc ngủ chậm chuyển dần sang trạng thái thức tỉnh và chuẩn bị tiếp nhận các thông tin mới.
- Trí nhớ ngắn hạn sẽ được não bộ chuyển thành trí nhớ dài hạn và giúp bạn ghi nhớ mọi thứ chính xác hơn nếu bạn có một giấc ngủ sâu và chất lượng.
- Cho một cơ thể tràn đầy năng lượng và khuyến khích óc sáng tạo bởi khi đó não bạn sẽ hoạt động tốt hơn.
- Giúp da bạn khỏe hơn, đẹp hơn.
Bí quyết giúp bạn có giấc ngủ ngon
- Sự đều đặn: Đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm. Sự đều đặn là chìa khóa, điều này giúp cải thiện cả về chất và lượng giấc ngủ.
Dù đó là ngày trong tuần hay cuối tuần hoặc kể cả khi trước đó bạn có một đêm khó ngủ, đừng ngủ thêm vào hôm sau, hãy giữ đúng nhịp thức ngủ của mình.
- Nhiệt độ: Hãy giữ nhiệt độ phòng mát mẻ, khuyến cáo là khoảng 22-26 độ C. Sự mát mẻ này sẽ khiến cơ thể cảm thấy dễ chịu và có một giấc ngủ trọn vẹn.
- Bóng tối: Bóng tối giúp kích hoạt giải phóng hormone melatonin. Melatonin giúp điều tiết thời gian ngủ. Vậy nên, trong một giờ đồng hồ trước khi ngủ, hãy cố tránh xa các màn hình máy tính, điện thoại. Hãy giảm một nửa mức ánh sáng trong nhà. Chỉ một lúc sau điều này sẽ tạo cảm giác buồn ngủ cho bạn. Khi nằm ngủ, nếu muốn, bạn có thể đeo bịt mắt.
- Đi ra khỏi phòng ngủ khi nằm trằn trọc không ngủ được: Đừng thức trên giường trong thời gian dài. Nếu khoảng nửa tiếng mà không ngủ được, hãy đi ra khỏi phòng ngủ và làm gì đó cho tới khi buồn ngủ thì quay lại phòng ngủ. Bởi não bộ của con người là bộ phận có khả năng liên hệ rất cao. Não bộ đã liên hệ rằng chiếc giường là nguyên nhân gây tỉnh táo và chúng ta cần phá vỡ liên hệ đó.
Bằng việc ra khỏi giường, bạn có thể đi làm việc khác. Chỉ trở lại giường khi bạn buồn ngủ. Bằng cách đó, dần dần, não bộ sẽ liên hệ lại rằng chiếc giường là nơi chúng ta yên giấc.
- Từ bỏ các thói quen xấu và thư giãn: Không nên sử dụng caffeine hay rượu vào buổi chiều và buổi tối. Nên có thói quen thư giãn trước khi ngủ. Ngủ là một quá trình sinh lý, cần có thời gian để não bộ của bạn dần lịm đi vào giấc ngủ ngon và sâu.
Trong 20 phút hoặc nửa tiếng trước khi ngủ, hãy làm gì đó để thư giãn. Tìm bất kỳ việc gì phù hợp với bạn như đọc truyện, nghe nhạc du dương, tập thở thư giãn, tập chú tâm hay điều gì khác khiến bạn dễ chịu, hãy tạo thành thói quen.
- Tập luyện thể thao: Hãy dành thời gian tập thể thao đều đặn mỗi ngày, có thể đi bộ, chạy bộ, yoga, nếu có thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi tập luyện thì càng tốt. Chỉ lưu ý rằng tránh những môn vận động mạnh từ sau 6h tối.