1. Bệnh đường hô hấp
Sau mưa bão, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho virus, kí sinh trùng cũng như nấm mốc sinh trưởng mạnh và dễ dàng tấn công và gây các bệnh thường gặp sau mưa lũ. Hệ hô hấp là một trong những cơ quan dễ bị tấn công nhất.
Các bệnh lý hô hấp thường gặp là cảm lạnh, cúm, viêm mũi họng… Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể diễn tiến nặng thành viêm phế quản, viêm phổi… Người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý đường hô hấp sau mưa bão.
Triệu chứng khi mắc các bệnh lý đường hô hấp:
- Người bệnh thấy đau họng khi nuốt, rát cổ họng, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi.
- Khó thở cũng là triệu chứng rất dễ gặp khi mắc các bệnh hô hấp. Cảm giác khó thở tăng lên do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Khó thở khi nằm, khó thở thì hít vào, thì thở ra.
- Ho dai dẳng là phản xạ rất khó chịu của các bệnh hô hấp. Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành.
Khi gặp các triệu chứng trên, mọi người cần đi khám bệnh để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm, phức tạp.
Một số biện pháp đơn giản để phòng các bệnh đường hô hấp sau mưa lũ:
- Đeo khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ là cách tốt để ngăn virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tạo không gian thoáng mát, lưu thông không khí, tránh ở những nơi ẩm thấp vì đây chính là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển.
- Thời tiết giao mùa cần tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và mọi người trong gia đình, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng.
2. Các bệnh về da thường gặp sau mưa lũ
Sau mưa bão, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa…
Viêm nang lông
Do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.
Ghẻ, bệnh thường gặp sau mưa lũ
Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Biểu hiện là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.
Chốc lở
Là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.
Nước ăn chân
Do chân tay ngâm trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển, hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.
Phòng ngừa các bệnh về da
Trong các bệnh da mùa mưa lũ kể trên, một số bệnh có thể nhanh khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cần được khám chuyên khoa để điều trị với thuốc uống và thuốc bôi phù hợp để dứt điểm bệnh hoàn toàn và hạn chế lây lan. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nguồn nước sạch.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng sau mưa lũ.
- Mang các dụng cụ bảo hộ nếu đi vào vùng nước ngập.
- Tránh tiếp xúc với nước lũ, vùng ngập nước nếu bạn có vết thương hở.
- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch. làm sạch và băng kín vết thương để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh.
- Không tự ý đắp lá hay bôi thuốc theo mách bảo vào vết thương.
3. Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp sau mưa lũ. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn, vì sau lũ điều kiện vệ sinh thấp kém, môi trường ô nhiễm và thiếu nước sạch. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân - tay - miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn. Hoặc tại những nơi xảy ra mưa lũ nguồn nước dễ bị nhiễm vi khuẩn tả, vi khuẩn Salmonella, Shigella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác.
Tiêu chảy là tình trạng bệnh lý khi có số lần đi tiêu trên 3 lần/ngày, phân lỏng toàn nước, có màu vàng, nâu hoặc trắng đục. Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.
Triệu chứng
Bệnh tiêu chảy cấp có triệu chứng điển hình như đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả phân toàn nước đục như nước vo gạo); nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, có thể bị chuột rút.
Biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: Với bệnh nhẹ, người bệnh khát nước, môi khô, da khô, nhăn nheo. Nếu nặng hơn, biểu hiện mặt hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu tiện ít hoặc không có nước tiểu, chân tay lạnh…nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp cần theo dõi, chăm sóc tốt cho người bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu mất nước nặng, nhanh chóng chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Điều trị và phòng bệnh tiêu chảy cấp
Quan trọng nhất là phải bù nước và điện giải để tránh các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra. Thường dùng Oresol, 1 gói pha trong 1 lít nước sôi để nguội, uống liên tục trong ngày, tùy theo mức độ mất nước có thể sử dụng 2 - 3 gói trong ngày. Có thể thay thế Oresol bằng viên Hydrit, mỗi lần uống 1 viên pha vào 200ml nước. Cần chú ý pha thuốc đúng tỷ lệ.
Để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống, không dùng tay bốc thức ăn. Việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm hoặc sau khi đi vệ sinh là rất cần thiết. Đây là một biện pháp để cắt đứt vòng xoắn chân, tay, miệng.
4. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc dễ dàng gây thành dịch do rất dễ lây lan. Nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm là một trong số những nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Con đường lây bệnh chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với gỉ mắt của bệnh nhân thông qua bàn tay hoặc các vật dụng trung gian như khăn mặt, chậu rửa, cốc chén, đồ chơi, chăn gối... chưa được vệ sinh sạch sẽ; bệnh cũng có thể lây qua hơi thở, nước bọt người bệnh mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi...
Biểu hiện chung là triệu chứng nhiễm virus:
Sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch. Sau đó là các triệu chứng tại mắt rầm rộ, rất khó chịu như: Đỏ mắt, nhiều gỉ, cộm rát… Bình thường bệnh sẽ giảm dần và hết sau 5 - 7 ngày. Nếu bị biến chứng viêm giác mạc sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, nhìn mờ, chói mắt khi nhìn ra ánh sáng. Trường hợp này nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây loét giác mạc rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới thị lực lâu dài. Kết thúc bệnh có thể kèm theo giả mạc (lớp màng được hình thành do viêm) sẽ gây khó khăn trong điều trị, phải bóc lớp giả mạc, kéo dài thời gian điều trị tới hơn 10 ngày.
Tuy nhiên phần lớn bệnh ở thể lành tính, khỏi nhanh và không có biến chứng. Để phòng bệnh đau mắt đỏ, người dân cần giữ gìn vệ sinh tay, mắt, chống lây lan là quan trọng nhất. Có thể phòng bệnh bằng cách rửa mắt bằng nước muối hoặc nước mắt nhân tạo khi có người xung quanh bị đau mắt đỏ.
Để phòng bệnh, cần thực hiện một số biện pháp như:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch; vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý; khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, người dân cần sử dụng kháng sinh tra mắt để chống nhiễm khuẩn như dung dịch Cloroxit 0,4%; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Trong những ngày có dịch không nên đến những nơi đông người, tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Người bệnh có thể dùng kháng sinh và các thuốc có steroides nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
5. Viêm gan A
Bệnh viêm gan A hay bệnh viêm gan siêu vi A do virus viêm gan A gây ra. Bệnh thường lây truyền qua đường tiêu hóa, nguồn thức ăn và nguồn nước bị nhiễm bẩn. Bệnh làm suy giảm chức năng nhưng không gây ra tử vong như những loại viêm gan virus khác. Bệnh thường kéo dài không quá 6 tháng và trong khoảng thời gian này bệnh nhân sẽ được điều trị triệt để được hồi phục.
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm gan A thường xuất hiện đột ngột, sau khi người bệnh bị nhiễm virus từ 2 - 4 tuần. Bao gồm:
- Mệt mỏi: Hoạt động của gan bị suy giảm, các chất độc không được đào thải đúng cách khiến cơ thể trở nên uể oải, mệt mỏi và khó chịu.
- Rối loạn tiêu hóa: Nhiễm trùng gan làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng, tiêu chảy, đau bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng phía trên bên phải…
- Sốt nhẹ: Nếu người bệnh bị sốt nhẹ và kéo dài thì nên đi khám để kiểm tra xem liệu mình có bị nhiễm virus HAV hay không.
- Biểu hiện ngoài da: Vàng da, vàng mắt là triệu chứng điển hình khi mắc phải tình trạng viêm gan siêu vi. Mức độ vàng da, vàng mắt tùy thuộc mức độ tổn thương gan. Bệnh nhân có thể ngứa da khi vàng da tắc mật nặng.
- Nước tiểu màu vàng đậm; phân nhạt, chuyển màu xám xỉn: Sự thay đổi nồng độ bilirubin máu cũng ảnh hưởng đến màu sắc của nước tiểu và phân.
- Đau cơ, khớp: Triệu chứng này khá ít gặp (chỉ chiếm khoảng 10%) nhưng lại thường là dấu hiệu cho thấy bệnh diễn biến nặng, phức tạp, cần được khám và điều trị kịp thời.
Điều trị viêm gan virus A
Viêm gan virus A không có điều trị đặc hiệu mà thường chỉ sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ, bảo vệ. Bởi cơ thể người bệnh có thể tự đào thải được virus viêm gan A sau vài tuần mà không cần phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ở nhà tự chăm sóc và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để có cơ thể khỏe mạnh.
Chăm sóc người bệnh viêm gan A:
- Tránh căng thẳng, mệt mỏi, nghỉ ngơi đầy đủ tránh dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng hoạt động cơ thể luôn uể oải.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm, bảo vệ sức khỏe.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, giàu chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm giàu đạm, vitamin, giảm mỡ động vật. Tăng cường trái cây và rau củ.
- Tránh sử dụng rượu, bia và hạn chế dùng các thuốc, hóa chất gây độc cho gan.
6. Viêm gan E
Viêm gan virus E là một bệnh lây lan qua thức ăn, nước uống và có liên quan mật thiết với môi trường sống, đặc biệt, bệnh dễ lây lan trong mùa mưa lũ.
Đặc điểm của bệnh viêm gan E
Viêm gan E là bệnh viêm gan do virus viêm gan E gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường phân - miệng. Virus viêm gan E được đào thải qua đường phân của người hoặc động vật bị nhiễm, sau đó qua đường nước uống, đồ ăn bị nhiễm mầm bệnh không được nấu chín lây cho người bệnh khác.
Bệnh viêm gan E có thể gặp ở bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là các nước vùng nhiệt đới, đặc biệt là những nước vệ sinh môi trường kém, mưa, lũ thường hay xảy ra. Lý do là virus viêm gan E có trong phân, rác, nước thải khi mưa lũ về làm tràn ngập các vùng đất bẩn có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virusviêm gan A, E. Virus viêm gan E được đưa đến nhiều vùng dọc theo triền sông.
Từ nước, virus bám vào thức ăn như rau, thực phẩm (do dùng nước sông, ao hồ để rửa), nước uống. Khi con người ăn, uống phải loại thức ăn, nước uống đó sẽ mắc bệnh. Tuy vậy, mắc bệnh viêm gan E chỉ chiếm một tỷ lệ dưới 10%, nhưng điều đáng nói ở đây là bệnh dễ trở thành ác tính, có tỷ lệ tử vong khoảng 0,5 - 4%.
Virus viêm gan E có nhược điểm là sức đề kháng rất kém khi ra bên ngoài môi trường, chỉ cần đun sôi trong vòng từ 1 - 2 phút là có khả năng tiêu diệt được chúng.
Các con đường khác có thể lây nhiễm nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ bao gồm: Ăn thịt hoặc sản phẩm làm từ thịt sống hoặc không được nấu chín lấy từ động vật bị nhiễm. Truyền máu, chế phẩm máu của người đang bị viêm gan E cho người khác. Lây truyền dọc từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.
Biểu hiện của bệnh
Thời gian ủ bệnh khá dài, từ vài tuần đến vài tháng sau khi virus xâm nhập cơ thể. Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi toàn thân làm cho nhầm tưởng là cảm cúm. Thời kỳ toàn phát: là vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu hoặc trắng như phân cò, sau đó xuất hiện rối loạn tiêu hoá như đau bụng lâm râm, buồn nôn, nôn, chán ăn, có thể bị tiêu chảy.
Trong giai đoạn khởi đầu và toàn phát, men gan thường tăng cao, sắc tố mật trong máu cũng tăng cao, đặc biệt là thời kỳ có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm, phân bạc màu. Siêu âm gan sẽ phát hiện được những thay đổi về gan (như kích thước to, đường mật trong gan giãn...).
Điều trị
Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu với viêm gan E cấp, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, tránh dùng các thuốc có thể gây tổn thương gan.
Khuyến cáo phòng bệnh trong mùa mưa lũ
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế
7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế
8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.