6 bệnh dễ mắc ở nam giới tuổi trung niên

14-06-2020 17:51 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ở tuổi trung niên (ngoài 40 tuổi), nhiều quý ông nhận thấy rõ những dấu hiệu về sức khỏe đang chầm chậm trên đường xuống dốc. Những chứng bệnh dưới đây rất thường gặp ở nam giới lứa tuổi này.

Tăng huyết áp

Ở tuổi trung niên, mạch máu của bạn bắt đầu cứng lại. Khi đó, máu lưu thông khó khăn hơn, trong khi áp lực tăng thì hội chứng tăng huyết áp rất dễ xuất hiện. Chứng tăng huyết áp có thể cảm nhận thấy khi bị nhức đầu dai dẳng trong nhiều giờ, đi bộ hay lên xuống cầu thang thấy mệt...

Khi đo huyết áp, cần đo lúc nghỉ, ngày 3 lượt: sáng, trưa, chiều (mỗi lượt đo 3 lần). Nếu chỉ số huyết áp trung bình trên 140/90mmHg, nghĩa là bị tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp rất nguy hiểm vì nó diễn biến âm thầm nhưng lại gây ra các biến chứng rất nặng nề, nhất là cho tim. Tại tim, tăng huyết áp gây phì đại tim, suy tim và các bệnh mạch vành như  thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực và nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim. Tại não, tăng huyết áp gây nhồi máu não và chảy máu não, đứt mạch máu não... Tăng huyết áp gây tổn thương mạch máu thận và có thể gây suy thận. Tại mắt, tăng huyết áp gây bệnh võng mạc, hậu quả dẫn đến mờ mắt, mù lòa... Để phòng tránh tăng huyết áp, nên ăn nhạt, bớt chất béo và năng tập thể dục hàng ngày.

Đái tháo đường

Ở lứa tuổi ngoài 40, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay xuất hiện ở người béo phì. Không phải ăn nhiều đường mà bị ĐTĐ. Hoạt động chuyển hóa trong cơ thể diễn ra rất nhịp nhàng. Nếu ăn đường nhiều, phần dư sẽ được dự trữ ở gan dưới dạng glycogen khiến lượng đường trong máu lúc nào cũng ổn định. Khi bạn ăn ít đi, cơ thể sẽ lấy glycogen dự trữ ở gan ra dùng lại dưới dạng glucose. Khi trẻ tuổi, sự chuyển hóa ấy diễn ra rất nhịp nhàng, chuẩn mực. Nhưng khi càng nhiều tuổi, sự chuyển hóa trong cơ thể hoạt động càng kém hiệu quả hơn trước. Bệnh ĐTĐ xuất hiện khi cơ chế trên bị rối loạn. Đáng lo ngại là bệnh ĐTĐ đang gia tăng trong những năm gần đây và ngày càng trẻ hóa.

Đau dạ dày - một bệnh dễ mắc ở nam giới tuổi trung niên.

Đau dạ dày - một bệnh dễ mắc ở nam giới tuổi trung niên.

Bệnh gút

Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa purin do sự lắng đọng axit uric ở khớp gây viêm khớp với biểu hiện đặc trưng là sưng, nóng, đỏ, đau, phù nề ở khớp ngón chân cái, khớp ngón tay, cổ tay... Bệnh khởi phát đột ngột, thường về đêm, sau những bữa ăn thịnh soạn, uống nhiều rượu bia... Nếu bệnh nhân không có chế độ dự phòng và điều trị thích hợp, những đợt viêm gút cấp sẽ tái diễn ngày càng nặng, gây biến chứng liên quan đến tổn thương xương khớp, hủy hoại đầu xương, có thể dẫn đến tàn phế. Thống kê cho thấy, có đến 95% bệnh nhân gút là nam giới, thường gặp ở tuổi trung niên.

Bệnh xương khớp

Ở tuổi trung niên, khung xương của bạn không còn được mềm dẻo, các khớp cũng cứng hơn, do vậy, bạn đừng làm việc nặng quá sức. Có thể chỉ sau một lần khiêng nặng, bạn sẽ bị cụp xương sống và không đứng lên  được. Chứng đau thần kinh tọa hoặc thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh tọa cũng có thể xảy ra sau khi gắng sức. Sau bao năm hoạt động, các khớp xương của bạn bắt đầu bị lão hóa. Nếu cảm thấy đau lưng, mỏi gối, có thể bạn đã bị thoái hóa khớp. Bệnh này ở tuổi càng cao càng rất khó chữa khỏi hẳn được.

Các bệnh do thuốc lá, rượu bia

Thuốc lá là nguyên nhân gây: ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, khí phế thũng, tâm phế mạn, tắc các mạch máu đầu chi... rất nguy hiểm cho sức khỏe nam giới tuổi trung niên.

Ở tuổi trung niên, quý ông phải dùng nhiều bia rượu trong các bữa tiệc. Nếu uống  nhiều rượu bia, gan sẽ bị nhiễm mỡ. Ở giai đoạn đầu, bệnh còn dễ chữa nếu bạn chịu khó kiêng hẳn bia, rượu. Nếu vẫn tiếp tục uống, tiến triển của gan nhiễm mỡ sẽ là xơ gan - đây là một chứng bệnh nan y.

U xơ tuyến tiền liệt

U xơ tuyến tiền liệt là sự phì đại lành tính của tuyến tiền liệt xảy ra ở nam giới lớn tuổi. Bệnh thường bắt đầu vào độ tuổi trung niên, tiến triển từ từ và thường chỉ gây ra triệu chứng sau tuổi 50. Triệu chứng của u xơ tuyến tiền liệt có thể chia ra làm 3 giai đoạn gồm: giai đoạn cơ năng, giai đoạn đã có tổn thương thực thể và giai đoạn có tổn thương thực thể nặng. Giai đoạn cơ năng là giai đoạn chưa có tổn thương thực thể. Bệnh nhân thường đi tiểu khó với các biểu hiện như nước tiểu thoát ra chậm, dòng nước tiểu nhỏ và yếu, bị ngắt quãng, đi tiểu xong còn nhỏ giọt, thời gian đi tiểu kéo dài; Dấu hiệu cũng thường được ghi nhận là khi đứng tiểu, nước tiểu không thoát ra mạnh và bắn đi xa mà rơi xuống gần làm ướt đầu mũi chân hoặc đầu mũi giày dép. Đồng thời, do sự kích thích của cơ bàng quang phì đại, bệnh nhân có chứng đi tiểu vội, buồn đi tiểu là phải đi tiểu ngay, đi nhiều lần trong ngày và đêm, đặc biệt là về gần sáng. Nếu tình cờ bạn cảm thấy tiểu khó, sức rặn yếu đi, hãy đi siêu âm hoặc khám bác sĩ ngoại khoa phát hiện sớm u xơ tuyến tiền liệt để điều trị phù hợp.


BS. Trần Trung
Ý kiến của bạn