6 bất lợi khi dùng thuốc kháng sinh cần lưu ý

20-08-2022 16:17 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng... nhưng khi dùng loại thuốc này có thể gây một số bất lợi cần lưu ý đề phòng ngừa...

1. Có thể làm suy yếu miễn dịch

Hệ thống miễn dịch hoạt động bằng cách tương tác với vi khuẩn hoặc virus khi chúng ta bị nhiễm và bằng cách tạo ra các kháng thể đặc hiệu chống lại các protein lạ (kháng nguyên) của vi khuẩn lây nhiễm.

Khi bị tái nhiễm bởi cùng một loại vi khuẩn, hệ thống miễn dịch sẽ nhanh chóng nhận ra các kháng nguyên ngoại lai đó và tấn công tác nhân lây nhiễm.

Đây là cách cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch đối với các bệnh nhiễm trùng, nhưng thuốc kháng sinh có thể ngăn quá trình này xảy ra.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh sớm khi bị nhiễm trùng có thể dẫn đến việc hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể kém. Cơ thể không có đủ thời gian để tương tác đúng cách với vi khuẩn gây bệnh và tạo ra kháng thể cần thiết. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng tái phát bởi cùng một loại vi khuẩn.

6 mặt trái của việc uống thuốc kháng sinh - Ảnh 1.

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

2. Gây gián đoạn hệ vi sinh đường ruột

Có hàng tỷ vi sinh vật có lợi sống trong ruột người được gọi là hệ vi sinh vật đường ruột. Những vi sinh vật này bao gồm nhiều loài vi khuẩn có lợi, giúp điều chỉnh khả năng miễn dịch và bảo vệ đường tiêu hóa chống lại các tác nhân gây bệnh.

Thuốc kháng sinh nhắm vào vi khuẩn có hại, nhưng chúng cũng có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi sống trong ruột có thể dẫn đến chứng loạn khuẩn, rối loạn sự cân bằng giữa các vi khuẩn và nấm khác nhau. Sau đó vi khuẩn gây bệnh, hoặc nấm như Candida có cơ hội phát triển.

Khi hệ vi sinh vật đường ruột bị gián đoạn, các quá trình trao đổi chất quan trọng bị thay đổi, có thể dẫn đến các bệnh như bệnh viêm ruột (IBD) hoặc bệnh Crohn (CD).

Thuốc kháng sinh cũng làm tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường ruột, khiến cơ thể dễ phát bệnh hơn khi nhiễm virus hoặc vi khuẩn có hại.

Trong 3 năm đầu đời, hệ vi sinh vật đường ruột của vẫn chưa ổn định, cho trẻ tiếp xúc với thuốc kháng sinh sớm có thể có những tác động tiêu cực lâu dài đến hệ vi khuẩn trong đường ruột và đối với việc hình thành hệ thống miễn dịch của trẻ.

3. Có thể gây phát ban, tiêu chảy và nôn

Nhiều người sử dụng thuốc kháng sinh có thể gặp một số tác dụng phụ như phát ban, tiêu chảy và nôn.

Nhiều trẻ có thể bị tiêu chảy từng trong thời gian ngắn hoặc thậm chí vài tuần sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh, nguyên nhân là do sự mất cân bằng giữa tất cả các vi sinh vật có lợi sống trong ruột.

Các bác sĩ lâm sàng thường đề nghị ngừng điều trị kháng sinh và kê toa men vi sinh để giúp ngăn chặn tiêu chảy và phục hồi hệ tiêu hóa.

4. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Có đến 10% trẻ em và người lớn có thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng với thuốc kháng sinh. Những phản ứng dị ứng này có thể biểu hiện ở các dạng khác nhau.

Có thể từ phát ban đơn giản đến sốc phản vệ. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.

6 mặt trái của việc uống thuốc kháng sinh - Ảnh 3.

Cả trẻ em và người lớn đều có thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng với thuốc kháng sinh.

5. Béo phì ở trẻ em

Hệ vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn, có thể dẫn đến tăng cân. Gần đây, trẻ em tiếp xúc với thuốc kháng sinh trong giai đoạn đầu đời đã được chứng minh là có nguy cơ cao bị béo phì. Các nghiên cứu trên động vật cũng đã chứng minh rằng việc sử dụng kháng sinh có thể làm tăng lượng mỡ trong cơ thể. Trên thực tế, thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi để "vỗ béo" động vật.

Cơ chế đằng sau mối liên hệ giữa béo phì và kháng sinh có thể là do hệ vi sinh vật đường ruột bị gián đoạn do kháng sinh và sự thay đổi trong quá trình trao đổi chất, dẫn đến béo phì.

6. Kháng kháng sinh của vi khuẩn trên diện rộng

Vi khuẩn có khả năng kháng lại các cơ chế hoạt động của kháng sinh. Trên thực tế, khi vi khuẩn tiếp xúc với một loại kháng sinh cụ thể trong thời gian dài hơn, chúng trở nên nhạy cảm với kháng sinh đó, sau đó đột biến và thích nghi với nó, do đó có thể sống sót sau khi điều trị bằng kháng sinh. Sau đó, các chủng vi khuẩn kháng thuốc này tiếp tục phổ biến trong dân số, làm cho vấn đề trở nên toàn cầu hóa.

Trong những thập kỷ qua, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã trở thành một gánh nặng sức khỏe cộng đồng. Thuốc kháng sinh hiện nay đang trở nên không hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thông thường như nhiễm khuẩn salmonella và viêm phổi, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí y tế.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

3 thực phẩm màu tím chống lão hóa và đẹp da

DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn