1. Vì sao người bệnh COPD gặp khó khăn trong cuộc sống?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh viêm phổi mạn tính do luồng khí tắc nghẽn từ phổi. Theo y học cổ truyền, bệnh thuộc các chứng đàm ẩm, háo suyễn, khái thấu... với các biểu hiện thở gấp, ho có đờm, ho khan, khò khè liên tục, tăng khó thở khi hoạt động... Do đó, người bệnh thường nhanh mệt khi làm việc, ngay cả các công việc hàng ngày như đi chợ, nấu cơm... cũng cảm thấy gắng sức.
Để điều trị bệnh lý này, theo y học hiện đại có thể sử dụng nhiều biện pháp như dùng thuốc, hỗ trợ thở, phục hồi chức năng phổi...
Theo y học cổ truyền có thể sử dụng một số bài thuốc, món ăn từ dược liệu giúp người bệnh tăng cường sức khỏe như các món chứa đẳng sâm, hạnh nhân, cam thảo, bách hợp, mộc nhĩ, gừng...
Ngoài ra, người bệnh COPD có thể thực hiện các bài tập thể dục đơn giản để tăng cường cơ bắp và sự dẻo dai.
2. Các bài tập thể dục tốt cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
2.1 Đi bộ, đạp xe
Theo BS. Gabriela Pichardo, Hiệp hội bác sĩ Hoa Kỳ cho biết, gần như tất cả những người bị COPD đều có thể tập thể dục. Trong đó, đi bộ, đạp xe là một lựa chọn phổ biến, phù hợp với nhiều người do có thể thực hiện ở bất cứ đâu, trong nhà hay ngoài trời, trong phòng tập hay trong công viên...
Tốc độ đi bộ không quan trọng vì ngay cả khi đi chậm thì hoạt động này vẫn hữu ích với người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần dừng lại và ngồi xuống nghỉ ngơi trong vài phút nếu thấy khó thở, mệt mỏi, quá sức.
Đi bộ là bài tập thể dục phù hợp với hầu hết người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
2.2 Nâng tạ nhẹ
Nâng tạ nhẹ có thể giúp người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng cường sức khỏe cánh tay, giúp nâng vật nặng dễ dàng hơn.
Cách thực hiện:
- Giữ tạ ở hai bên tay, lòng bàn tay ngửa.
- Hít vào, đưa tạ về phía ngực, hướng khủy tay xuống sàn.
- Thở ra từ từ và hạ cánh tay xuống về vị trí ban đầu.
- Thực hiện 10-15 lần lặp lại.
Bài tập nâng tạ nhẹ
2.3 Nâng cánh tay về phía trước
Động tác này giúp cải thiện độ linh hoạt, sức mạnh ở cánh tay và vai.
Cách thực hiện:
- Giữ tạ ở hai bên thân người, lòng bàn tay hướng vào trong.
- Hít vào, từ từ nâng cả hai tay thẳng ra phía trước mặt.
- Thở ra, từ từ hạ cánh tay xuống.
- Thực hiện 10-15 lần lặp lại. Bắt đầu với tạ nhẹ và nặng hơn một chút sau mỗi hai đến ba tuần để thử thách cơ bắp.
Nâng cánh tay về phía trước
2.4 Nâng bắp chân
Bài tập này giúp người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể đi bộ dễ dàng hơn và xa hơn.
Cách thực hiện:
- Đứng cách ghế 15-30cm với hai bàn chân rộng bằng hông, hai tay bám vào thành ghế.
- Hít vào, kiễng gót chân lên, giữ trong khi đếm đến 6.
- Thở ra, hạ gót chân xuống đất.
- Thực hiện 10-15 lần lặp lại, khi bạn khỏe hơn, hãy thực hiện từng chân một.
Nâng bắp chân.
2.5 Tập thể dục cơ hoành
Bài tập này tăng cường sức mạnh cho cơ hô hấp chính là cơ hoành.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, gấp đầu gối vuông góc hoặc ngồi thẳng lưng, hai chân xếp bằng ở tư thế thoải mái nhất. Một tay đặt trên ngực và một tay đặt trên bụng.
- Từ từ hít vào bằng mũi sao cho bụng nâng căng tròn, có thể cảm thấy bàn tay di chuyển lên.
- Thở ra với đôi môi mím lại và siết chặt bụng. Cảm nhận bàn tay trên bụng hạ thấp xuống.
- Thực hiện trong 5-10 phút, 3-4 lần mỗi ngày
Lưu ý: Tay đặt trên ngực không di chuyển.
2.6 Tập thái cực quyền
Thái cực quyền một bài tập cổ xưa của Trung Quốc về các chuyển động nhẹ nhàng, tốt cho tim, phổi và giúp làm săn chắc cơ bắp. Các động tác thái cực quyền cũng làm giảm căng thẳng và giúp người bệnh thư giãn, một lợi ích đặc biệt nếu bệnh COPD khiến bạn lo lắng hoặc cáu kỉnh.
Lưu ý: Người bệnh phổi mạn tính nên thở chậm trong khi tập thể dục. Hít vào bằng mũi, mím môi để làm ấm và lọc không khí. Thở ra bằng miệng gấp đôi thời gian hít vào. Đừng thở hổn hển vì sẽ ngăn không cho phổi đẩy hết không khí ra ngoài.
Nếu hơi thở của bạn nhanh hoặc nông, hãy dừng lại và nghỉ ngơi và thư giãn cơ thể.
Thái cực quyền
3. Khi nào không nên tập thể dục
Khi các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng lên như thở khò khè, ho ra nhiều chất lỏng hơn bình thường hoặc khó thở bất thường thì nên ngừng tập thể dục và tham khảo ý kiến bác sĩ. Đặc biệt nếu người bệnh trong tình trạng khó thở không cải thiện, nhịp tim nhanh hoặc không đều và cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng.
Mời bạn xem tiếp video:
Dự báo xuất hiện đợt cao điểm rét đậm vào tháng 1/2023