Hà Nội

6 bài học kinh nghiệm từ chiến dịch tiêm chủng sởi - rubella

05-08-2015 08:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubella được Bộ Y tế thực hiện từ tháng 9/2014 đến nay cho thấy, việc phối hợp liên ngành, kết hợp với truyền thông vận động và giám sát chặt chẽ việc thực thi chuyên môn... là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công.

Thông tin cho báo chí chiều 8/4, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết), kết thúc chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 9/2014 đến nay, đã có 98,2% số trẻ từ 1 -14 tuổi (gần 20 triệu trẻ em) đã được tiêm vắc xin Sởi - Rubella. 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi - Rubella trên 95%. Trên quy mô xã, phường có 11.150 xã/11.173 xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%.

Đến nay còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt 95%, các tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét, phấn đấu cả nước đạt 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95% trong tháng 8 năm 2015. Kết quả chiến dịch đã góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch Sởi tại Việt Nam trong năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2015 chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc Sởi, trên phạm vi toàn quốc không ghi nhận các ổ dịch Sởi.

Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella cho trẻ là cách tốt nhất phòng bệnh. Ảnh: TTXVN.

Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella cho trẻ là cách tốt nhất phòng bệnh. Ảnh: TTXVN.

Từ sự thành công của triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ em từ 1- 14 tuổi năm 2014- 2015, ngành y tế đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các chiến dịch tiêm chủng trong thời gian sắp tới:

Thứ nhất: Triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp chỉ đạo, vận động xã hội, phối hợp liên ngành, truyền thông vận động và đặc biệt là ban hành, giám sát chặt chẽ việc thực thi các hướng dẫn chuyên môn và đảm bảo nguồn lực. Chiến dịch đã tạo được sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của toàn xã hội, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội đối với công tác tiêm chủng phòng bệnh; tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân đối với việc sử dụng vắc xin phòng bệnh, kể cả người dân từ vùng sâu, vùng xa qua đó nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh nói chung và vắc xin Sởi - Rubella nói riêng, củng cố niềm tin của người dân đối với tiêm chủng.

Thứ hai: Được sự ủng hộ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc tổ chức và triển khai chiến dịch; sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của chính quyền các cấp nên đã huy động được nguồn nhân lực, kinh phí hỗ trợ đảm bảo cho thành công của chiến dịch.

Thứ ba: Công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ trên nhiều kênh, nhiều phương tiện nhằm huy động được sự tham gia của người dân trong chiến dịch, vận động người dân đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng, xử lý và giải thích các phản ứng tâm lý sau tiêm chủng kịp thời để người dân hiểu, không ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ tiêm chủng.

Thứ tư: Công tác tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học; việc tổ chức theo từng đợt cho các địa phương và ứng dụng linh hoạt đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa đã tạo thuận lợi và tập trung được nguồn nhân lực tạo sự hiệu quả trong việc triển khai chiến dịch. Sáng kiến đa dạng của các địa phương trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng, huy động sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, huy động các phương tiện vận chuyển sẵn có tại địa phương để tham gia vào chiến dịch đã góp phần không nhỏ trong kết quả đạt được của chiến dịch.

Thứ năm: Sự hỗ trợ to lớn của Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) về vắc xin, vật tư tiêm chủng, kinh phí triển khai và sự hỗ trợ kịp thời và tích cực của các Tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, JICA về kỹ thuật, hoạt động truyền thông cũng như giám sát trong quá trình triển khai chiến dịch đã góp phần tích cực đảm bảo thành công của chiến dịch.

Thứ sáu: Kịp thời động viên cán bộ y tế, người tham gia và các tình nguyện viên trực tiếp tham gia triển khai chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt trong những địa bàn khó khăn, những thời điểm có các sự cố sau tiêm và khi có sự chưa thông cảm, bức xúc của người dân... đã tạo sự yên tâm của những người trực tiếp thực hiện chiến dịch, qua đó từng bước đạt được hiệu quả cao cho toàn bộ chiến dịch .

Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella có sự tham gia trực tiếp của 325.886 cán bộ Y tế thuộc khối dự phòng, bệnh viện, lực lượng quân y và y tế khác và 645.076 tình nguyện viên bao gồm các thầy, cô giáo, lực lượng từ các Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh…

Bệnh Sởi và Rubella là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây nên, bệnh có tính lây truyền cao và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh sau khi mắc. Nếu người mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra xảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ mới sinh. Bệnh Sởi và Rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là cách tốt nhất và chủ động để phòng bệnh.

HH

 

 


Ý kiến của bạn