Hà Nội

5.600 người có hành vi nguy cơ cao được điều trị PrEP

16-10-2018 07:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020. Cụ thể, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho ít nhất 5.600 người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2019; 7.300 người có hành vi nguy cơ cao vào năm 2020.

Những ai cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV?

Từ lâu nay, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc mỗi ngày. Tuân thủ uống thuốc hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới trên 90%.

Tư vấn cho người có nguy cơ lấy nhiễm HIV.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả những người có nguy cơ cao nhiễm HIV có kết quả xét nghiệm âm tính cần được tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Tại nước ta, đối tượng ưu tiên được tiếp cận dịch vụ PrEP gồm: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; bạn tình của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV có tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml; người bán dâm; người tiêm chích ma túy.

Duy trì và mở rộng điều trị PrEP

Ngày 4/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV. Cụ thể, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho ít nhất 5.600 người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2019; 7.300 người có hành vi nguy cơ cao vào năm 2020.

Năm 2018, tiếp tục duy trì các cơ sở triển khai PrEP tại Hà Nội và TPHCM, triển khai công tác chuẩn bị để cung cấp PrEP trong năm 2019 tại 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu và Bình Dương.

Năm 2020 tiếp tục duy trì PrEP tại 11 tỉnh, thành phố trên, đồng thời căn cứ theo tình hình dịch HIV thực tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS thống nhất với các địa phương quyết định địa bàn triển khai PrEP. Kế hoạch thuốc được phân bổ từ nguồn tài trợ của Chương trình PEPFAR năm 2018.

Dịch vụ được cung cấp ở đâu?

Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm sẽ được cung cấp thông qua các đơn vị y tế công và y tế tư nhân phối hợp với các tổ chức cộng đồng. Số lượng và đơn vị tham gia chương trình sẽ được quyết định thông qua khảo sát nhu cầu và khả năng đáp ứng ở mỗi địa phương, cũng như nguồn ngân sách huy động từ các nhà tài trợ.

Về quy trình cung cấp dịch vụ, nhóm tiếp cận cộng đồng tiếp cận với quần thể đích, tư vấn xét nghiệm HIV. Trường hợp xét nghiệp HIV dương tính, tư vấn cung cấp dịch vụ PrEP. Nếu các đối tượng đồng ý, nhóm tiếp cận cộng đồng sẽ chuyển các trường hợp này đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP.

Nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị HIV tư vấn cho bạn tình của người bệnh HIV và đề nghị đi xét nghiệm HIV. Trường hợp kết quả xét nghiệm HIV dương tính, đưa vào điều trị ARV; trường hợp xét nghiệm HIV âm tính thì tùy thuộc vào tình trạng tải lượng HIV của người nhiễm và các hành vi nguy cơ có thể của bạn tình người nhiễm, nhân viên y tế sẽ tư vấn về cung cấp dịch vụ PrEP. Nếu đối tượng đồng ý, tiến hành cung cấp dịch vụ PrEP.

Nhân viên y tế tại các cơ sở y tế điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị thay thế, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV tư vấn về hành vi nguy cơ cao, xét nghiệm HIV. Nếu xét nghiệm HIV âm tính và đối tượng có nguy cơ cao lây truyền HIV, tư vấn cung cấp dịch vụ PrEP.


Minh Khoa
Ý kiến của bạn