Cả nước đã có 55/63 tỉnh, thành phố có sự chênh lệch giới tính khi sinh với tỷ số giới tính cao hơn 108 bé trai/100 bé gái. Riêng tại Hà Nội, con số này xuống còn 111 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng...
Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm 2019, với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, can thiệp có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới. Đồng thời, các hoạt động góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, theo quy luật tự nhiên, trung bình 100 bé gái sinh ra thì tương ứng có từ 104 - 106 bé trai sinh ra. Ở Việt Nam, năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái. Sau 10 năm, vào năm 2009, tỷ số này là 110,5 bé trai/100 bé gái và tăng lên 113,8 bé trai/100 bé gái vào năm 2013. Hiện tại, tỷ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 114,8 bé trai/100 bé gái. Cả nước đã có 55/63 tỉnh, thành phố có sự chênh lệch giới tính khi sinh với tỷ số giới tính cao hơn 108 bé trai/100 bé gái.
Riêng tại Hà Nội, theo số liệu báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, hiện tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang có xu hướng giảm dần, từ 117,6 bé trai/100 bé gái năm 2008, xuống còn 113 bé trai/100 bé gái năm 2018 và tiếp tục giảm trong 9 tháng năm 2019, xuống còn 111 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của thành phố trong những năm gần đây đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay thì việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường về trật tự xã hội...
Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đã được rút ngắn. Ảnh: TM
Không can thiệp kịp thời, dự báo năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu phụ nữ
“Bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối liên quan. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới”- bà Lan nhấn mạnh đồng thời đánh giá sự mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục có xu hướng tăng và lan rộng, cả ở nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng, miền trên cả nước.
Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Mất cân bằng giới tính sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán, các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.
Giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới; hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng dù là trai hay gái.
Riêng với Hà Nội, đứng trước vấn đề công tác dân số của Thủ đô Hà Nội còn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đề nghị công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cần tăng cường triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố về người cao tuổi, thể lực, tầm vóc người Hà Nội, mất cân bằng giới tính khi sinh...; Tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, xoá bỏ bất bình đẳng, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...