Tổng số ca mắc:
54 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
- Tính đến 6h ngày 9/6: Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 8/6 đến 6h ngày 9/6: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 8.182, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 141
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.039
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 948
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta đến thời điểm hiện tại là 316/332 bệnh nhân (chiếm 95,2% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
Hiện còn 16 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.
Tính đến sáng ngày 9/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 2 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với COVID-19
Liên quan đến bệnh nhân 91, nam phi công người Anh đã điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và hiện là Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện nay đang được hãng bảo hiểm xem xét hồ sơ.
Trao đổi với Phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống tối ngày 8/6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 thông tin, nam phi công người Anh- bệnh nhân 91 tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.
Sau 5 ngày ngừng ECMO, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ tay 4/5, sức cơ chân 2/5 (trước đó sức cơ tay là 3/5 và sức cơ chân là 1/5). Đặc biệt, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, đung đưa cả hai chân. Đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.
Bản thân PGS.TS Lương ngọc Khuê cho biết, khi xem những hình ảnh về sự phục hồi của bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy gửi ra, không chỉ cá nhân ông mà các thầy, các chuyên gia trong hội đồng chuyên môn và Tiểu ban Điều trị đều ngỡ ngàng, không thể tin bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến vậy. Đây là kết quả của sự phối hợp, sự tư vấn, trao đổi chuyên môn trong điều trị của Hội đồng chuyên môn, của Tiểu ban Điều trị; đồng thời là sự nỗ lực, cố gắng và tận tuỵ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trước đó và tiếp theo là Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khoẻ đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả “team” điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án điều bệnh nhân phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, quyết định chuyển bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 sang Bệnh Chợ Rẫy điều trị tích cực là quyết định cực kỳ đúng đắn của Hội đồng chuyên môn.
“Đây là một nỗ lực phi thường, bởi chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời đông viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia để tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Cái gì tốt nhất cho người bệnh, chúng ta cố gắng triển khai và làm tốt nhất”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 83 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, đồng thời cũng đã được hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, từ sự phục hồi kỳ diệu này của bệnh nhân, có thể nói phương án ghép phổi được đưa ra trước đây để có thể là một trong những giải pháp chính để “cứu” bệnh nhân, hiện đã có khả năng trở thành phương án dự phòng...