Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 9 do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội.
Liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng người lao động sẽ có lợi hơn khi tham gia BHXH để nhận lương hưu hơn là việc nhận BHXH một lần bởi khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu. Không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một hình thức “của để dành” cho người lao động khi về già. Người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước.
Người lao động nhận BHXH một lần sẽ có nhiều thiệt thòi so với nhận lương hưu.
“Trong thời gian bảo lưu việc đóng BHXH, nếu người lao động bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đến khi trưởng thành hoặc hưởng đến khi chết”, ông Đỗ Ngọc Thọ nói.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cũng từng bày tỏ lo ngại về tình trạng lao động nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng: “Chúng ta đều biết, BHXH là một trong các chính sách trụ cột của hệ thống an sinh quốc gia. Nếu người lao động không lưu ý tham gia BHXH, nguy cơ sẽ gặp những khó khăn khi về già cũng như tạo thêm gánh nặng cho xã hội”.
Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, chế độ bảo trợ xã hội chỉ áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và khoảng 300.000 đồng/người/tháng: “Do đó, nếu người lao động nhận BHXH một lần mà không tham gia BHXH sẽ ảnh hưởng tới tình trạng an sinh xã hội nói chung và cuộc sống người lao động nói riêng”.
Về vấn đề này, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng nếu hưởng 1 lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, Quỹ BHXH không hề bị ảnh hưởng nhưng người lao động lại chịu thiệt thòi, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Ngoài lương hưu hàng tháng được nhận, người lao động được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, không may ốm đau đã có Quỹ Khám chữa bệnh BHYT chi trả tiền. Cùng với đó, khi người lao động qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết. Thân nhân người lao động cũng được nhận trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Đối với trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời.
“Có thể nói, nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh BHXH 1 lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn gấp nhiều lần…”, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Với trường hợp đổi sổ BHXH, đại diện Ban Sổ thẻ của BHXH Việt Nam cho biết chỉ thực hiện đối với trường hợp bị trùng một người có 2 số sổ BHXH. Trong thời gian chờ đồng bộ, cấp mã số BHXH, sổ BHXH và thẻ BHYT đã cấp mà chưa được đổi, cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được cấp, đổi lại.