Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến ngày 1/3, toàn quốc có 281 trung tâm đăng kiểm với 489 dây chuyền kiểm định, trong đó có 59 trung tâm tạm dừng hoạt động (51 đơn vị bị dừng do phục vụ điều tra và 8 đơn vị dừng do không đủ điều kiện hoạt động).
Riêng tại TP Hà Nội, 18 trung tâm kiểm định đã đóng cửa phục vụ điều tra, chỉ còn 13 trung tâm đang hoạt động với lượng nhân sự thiếu hụt.
Các trung tâm đăng kiểm đóng cửa gần đây nhất là 29-25D (Cầu Giấy); 29-27D (Bắc Từ Liêm); 29-05V (Long Biên); 29-02V và 29-02S (Gia Lâm).
Mới nhất, cơ quan công an đã tạm giữ hình sự Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-10D và 8 thuộc cấp để điều tra về hành vi nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi kiểm định.
Theo thống kê của Bộ Công an, đến nay cơ quan chức năng của 23 tỉnh, thành phố đã khởi tố, bắt tạm giam, tạm giữ hình sự hơn 300 đối tượng liên quan đến các bê bối về đăng kiểm. Trong đó, cấp cao nhất là các ông Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) và ông Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam). Số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng được xác định lên tới hàng chục tỷ đồng.
Thủ đoạn tại các trung tâm đăng kiểm gần như giống nhau và hoạt động theo một cách có hệ thống. Cụ thể, người đi đăng kiểm phải nộp một khoản tiền từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng để được bỏ qua các lỗi đăng kiểm như: Thay đổi thiết kế thùng xe, vi phạm về khí thải, khối lượng xe nặng hơn thiết kế ban đầu, lỗi về đèn, phanh…
Những chiếc xe không đảm bảo chất lượng sau khi nộp tiền để bỏ qua lỗi, vẫn tiếp tục được đăng kiểm bình thường, tham gia giao thông gây nguy hiểm cho xã hội, làm biến dạng, hỏng hóc đường xá.
Vụ việc khởi phát từ ngày 26/10/2022 khi lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP.HCM kiểm tra 2 xe tải lưu thông trên đường và phát hiện thùng xe đã được cơi nới trái quy định. Nhưng 2 xe này vẫn được chứng nhận kiểm định đạt. Thấy có dấu hiệu tội phạm, Phòng CSGT Công an TP.HCM đã ghi lời khai tài xế, chủ xe, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ.
Tiến hành lấy lời khai của các đối tượng, cán bộ đăng kiểm tại các trung tâm cho biết đã được "bật đèn xanh" từ cấp trên. Nhiều trung tâm phải đều đặn hối lộ lên cấp trên để được duyệt cấp mã số đăng kiểm và chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Còn chủ xe đăng kiểm thì phải nộp tiền cho các trung tâm đăng kiểm. Cách thức làm này đã trở thành luật "bất thành văn". Nhiều chủ xe biết nhưng vẫn nộp tiền để đỡ mất thời gian và được bỏ qua lỗi vi phạm của xe mình.