Chào đời ở tuần thai thứ 30 với cân nặng chỉ 1,1kg, bé V.T.M. được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh (HSTCSS), Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, trong tình trạng suy hô hấp độ 3 kèm theo nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết, và phải bóp bóng qua nội khí quản.
Theo lời kể từ gia đình, bé V.T.M. sinh thường ở tuần thai thứ 30 và đã được chăm sóc tại một đơn vị y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, do tình trạng sức khỏe không cải thiện, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khi tròn 22 ngày tuổi.
Ngay khi nhập viện, bé được thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch và sử dụng kháng sinh liều cao phối hợp. Trong quá trình điều trị, trẻ xuất hiện các cơn tím tái, SpO2 giảm sâu, tim đập nhanh nhưng yếu. Kết quả chụp X-quang phổi và siêu âm tim cho thấy tràn dịch màng ngoài tim với số lượng lớn, gây chèn ép tim và suy giảm chức năng tâm thu thất trái.
Trước tình trạng nguy kịch, bác sĩ Lê Thị Oanh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, đã hội chẩn khẩn cấp với bác sĩ Nguyễn Công Hiệu, Phó Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, và quyết định tiến hành dẫn lưu dịch màng ngoài tim dưới hướng dẫn của siêu âm. Đồng thời, ekip chuẩn bị truyền máu phù hợp cho bé trong quá trình can thiệp, kết hợp điều trị bằng kháng sinh liều cao và nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần.
Sau 24 giờ phẫu thuật, sức khỏe của bé M. các thông số máy thở được giảm, xét nghiệm cho thấy nhiều cải thiện tích cực, và tổng trạng của bé hồi phục rõ rệt. Trẻ tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh của bệnh viện.
Sau 50 ngày điều trị, bé M. đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện về nhà trong niềm vui của gia đình và đội ngũ y bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Công Hiệu, Phó Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, chia sẻ: "Tràn dịch màng ngoài tim là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến trên lâm sàng, xảy ra do sự tích tụ bất thường các chất lỏng trong khoang màng ngoài tim. Khi tình trạng này xuất hiện, áp lực lên tim tăng cao, khiến các buồng tim không thể lấp đầy hoàn toàn, thậm chí một hoặc nhiều buồng tim có thể bị sụp đổ.
Mặc dù bệnh có thể không có triệu chứng rõ ràng, nhưng trong trường hợp ép tim, nguy cơ nguy kịch là rất cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra cũng đáng lưu ý, khoảng 1,5%, do các biểu hiện không đặc trưng nên việc phát hiện và điều trị kịp thời gặp nhiều khó khăn".