93 tuổi, sau biết bao biến cố cuộc đời và căn bệnh tim đeo bám, sức khỏe của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cháu (xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) giảm sút. Gần đây, vợ chồng người con trai út phải ra nước ngoài, mẹ Cháu được vợ chồng cô con gái đón về TP Vinh tiện bề chăm sóc. Mẹ Cháu có 7 người con. Hai người con liệt sĩ là Hoàng Văn Xoan (SN 1950, là con cả), kế đến là anh Hoàng Trung Tính (SN 1954).

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ước nguyện tìm và đưa hài cốt 2 người con liệt sĩ của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cháu về vẫn chưa trở thành hiện thực.
Ngọn lửa hy vọng chưa từng tắt
Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn khốc liệt nhất. Anh Xoan vừa tròn 18 tuổi, lên đường theo tiếng gọi non sông. Đi "B dài", chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, anh Xoan chỉ kịp gửi về nhà hai lá thư ngắn ngủi. "Con vẫn khỏe, vẫn chiến đấu hăng say, bao giờ hết giặc con về", nội dung lá thư anh Xoan gửi mẹ. Năm tháng đằng đẵng, mẹ Cháu ôm những lá thư ấy trong lòng như ôm trọn cả niềm hy vọng mong manh giữa mịt mùng bom đạn.
Bà Hoàng Thị Hòa (SN 1957, con gái mẹ Cháu) nhớ lại: "Khi đó, anh Tính mới 17 tuổi, tôi tròn 14. So với anh Xoan, anh Tính nghịch ngợm và sôi nổi hơn. Anh đẹp trai, rất mê bộ đội. Vì chưa đủ tuổi nhập ngũ, viết đơn xin đi phải có chữ ký của bố mẹ. Bố mẹ khuyên còn nhỏ, nên đợi vài năm nữa hãy tính, nhưng anh nhất quyết không chịu. Anh nói 'nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực', rồi cầm đơn năn nỉ mãi, cuối cùng bố tôi cũng đành lòng ký cho anh lên đường".

"Có thời điểm mẹ khóc nhiều quá, khóc đến ngã bệnh nằm liệt giường mấy tháng trời. Chiến tranh kết thúc, người người trở về, mẹ tôi vẫn không nguôi hy vọng," bà Hòa nói.
Anh Tính được phân công về đơn vị đặc công thuộc Tỉnh đội Nghệ An. Tuy vẫn đóng quân trong tỉnh, nhưng cơ hội về thăm nhà chẳng nhiều. Đến tháng 3/1972, đơn vị anh nhận lệnh hành quân sang Lào làm nhiệm vụ. Trước ngày đi, anh tranh thủ về nhà một đêm.
Trong ký ức của bà Hòa, đó là một đêm cuối đông lạnh thấu xương. Anh trở về, quây quần bên mâm cơm đạm bạc với bố mẹ và các em ăn cơm độn ngô cùng vài cọng rau luộc. Anh vừa ăn vừa kể mấy câu chuyện đánh giặc, rồi dẫn đám thanh niên làng ra nghĩa địa tập võ như để lại chút khí thế trước lúc chia tay. Trời vừa hửng sáng, anh xếp ba lô, bước đi. Đó cũng là lần cuối cùng bà Hòa được gặp lại anh trai...
Tin dữ ập đến vào một ngày tháng Chạp năm 1972. Đơn vị anh Tính trúng bãi mìn, đồng đội hy sinh, xương thịt hòa vào đất. Mẹ Cháu chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau thì giấy báo tử của anh Xoan được gửi về. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau khi người em trai của mẹ cũng hy sinh trong chiến trường. Nỗi đau vượt quá sức chịu đựng khiến mẹ như "chết nửa đời người".



Những lúc nhớ con, mẹ Cháu thường đưa bức ảnh anh Tính ra để ngắm.
Những năm sau chiến tranh, mẹ vẫn ngồi tựa cửa, dõi mắt ngóng theo bóng hình những người lính trẻ qua đường, thấp thỏm nghĩ rằng, biết đâu đó, các con mẹ lại về…
"Căn bệnh tim của mẹ cũng từ đó mà ra. Có thời điểm, mẹ tôi khóc nhiều quá, ngã bệnh nằm liệt giường mấy tháng trời. Mẹ nhớ thương các anh đến nỗi, cứ thấy bóng ai mặc áo quần bộ đội đi qua con đường trước nhà là ngất xỉu. Chiến tranh kết thúc, nhiều người trở về, mẹ vẫn không nguôi hy vọng về các anh", bà Hòa nghẹn ngào kể.
Những bức thư cuối và hành trình tìm con dang dở
Ở tuổi xưa nay hiếm, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cháu giờ đây mắt đã mờ, tim yếu như ngọn đèn trước gió nhưng nỗi nhớ thương hai người con vẫn không nguôi. Hiện mẹ đang sống cùng con gái tại TP Vinh để tiện chăm sóc. Đêm đêm, mẹ thường kể chuyện cũ, chuyện cày cấy, những bữa cơm độn khoai, hay chuyện hai anh em Xoan và Tính ra đi khi tuổi đời còn xanh, chưa ai kịp nên duyên.

Mẹ Cháu bên vợ chồng người con gái thứ 3.
Ghi nhận sự hy sinh và những cống hiến thầm lặng của mẹ Nguyễn Thị Cháu đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng mẹ danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm tháng trôi qua, nỗi đau trong lòng mẹ vẫn chưa thể liền sẹo. Dù dần chấp nhận sự thật rằng các con không thể trở về, mẹ vẫn chưa nguôi hy vọng tìm lại hài cốt của các anh. Nhưng suốt hàng chục năm ròng rã, ước nguyện ấy vẫn chỉ là niềm mong đợi khắc khoải.
Thương mẹ, thương các anh, chị em bà Hòa nhiều lần đi tìm thông tin về nơi các anh yên nghỉ, nhưng tất cả vẫn chỉ là những dấu vết mờ nhạt, đứt đoạn.
"Bạn chiến đấu của anh Tính kể lại, tổ trinh sát của anh trúng bãi mìn, thi thể không còn nguyên vẹn. Còn với anh Xoan, năm 1973, một người trong làng từ chiến trường trở về nói rằng biết nơi anh an táng. Thế nhưng sau đó, anh ấy cũng hy sinh, khiến manh mối bị cắt đứt. Chúng tôi cũng không rõ liệu anh đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ hay vẫn còn nằm lại đâu đó giữa rừng sâu núi thẳm...", bà Hòa bật khóc kể.
Mới đây, mẹ Nguyễn Thị Cháu được lấy mẫu ADN phục vụ công tác xác minh danh tính liệt sĩ. Dù tuổi cao, bệnh nặng, nhưng khi nghe giải thích, mẹ như trẻ lại, ánh mắt lấp lánh hy vọng. Mẹ tin rằng, bằng khoa học và lòng người, sẽ có một ngày, mẹ lại được ôm các con vào lòng, dẫu chỉ là nắm đất thiêng liêng...