50 năm đồng hành cùng người bệnh

25-09-2013 07:18 | Tin nóng y tế
google news

Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều mối quan hệ bị đảo lộn, chính vì thế các rối loạn tâm thần hiện đang gia tăng nhanh chóng.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều mối quan hệ bị đảo lộn, chính vì thế các rối loạn tâm thần hiện đang gia tăng nhanh chóng. Mặt khác, quan niệm duy tâm, lạc hậu về sức khỏe tâm thần của nhiều người dân cho rằng tâm thần là do thần thánh, ma quỷ gây ra cũng gây khó khăn cho công tác điều trị. Khó khăn thêm khó khi chuyên ngành tâm thần hiện đang là ngành khó thu hút nhân lực. 50 năm qua, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là bệnh viện tuyến cuối về tâm thần.

Hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện còn dành ưu tiên đặc biệt cho các hoạt động phát triển mạng lưới truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và phục hồi chức năng tâm lý - xã hội cho người bệnh. Vì vậy, nhận thức của người dân về căn bệnh này đã thay đổi, nhiều người bệnh đã tìm đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, hỗ trợ. Theo BS. La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, công tác tâm thần học cộng đồng đã được bệnh viện triển khai từ rất sớm, đặc biệt năm 1999 Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, dự án đã quản lý, điều trị, PHCN cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh tại hơn 80% xã/phường, quản lý hơn 200.000 người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện đã tích cực hỗ trợ cán bộ chuyên môn và chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới.

50 năm đồng hành cùng người bệnh 1
 Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại BV Tâm thần TW 1. Ảnh: TM

Qua hoạt động hiệu quả này, người bệnh đã đến được với những thầy thuốc đúng chuyên khoa, năng lực các bác sĩ tuyến dưới cũng được nâng cao. Theo đó, công tác điều trị cho người bệnh tâm thần ở tuyến dưới được cải thiện rõ rệt, nếu như trước đây bệnh rối loạn tâm thần điển hình điều trị nội trú chiếm đến 80 - 90% nay đã giảm xuống còn 50 - 60%, có bệnh viện chỉ còn 30 - 40%. Thời gian lưu viện, nằm viện cũng giảm đáng kể, trước đây điều trị trung bình từ 100 ngày (năm 2005) đến nay còn 40 ngày, có bệnh viện chỉ còn 20 - 25 ngày. Các triệu chứng do tác dụng không mong muốn của thuốc không còn nặng nề như trước, người bệnh tâm thần đã hoạt bát nhanh nhẹn hơn...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 60 - 70% người bệnh tâm thần không được chăm sóc đúng chuyên khoa hoặc chưa được chú ý tới. Hiện nay, sức khỏe tâm thần được đánh giá có tầm quan trọng thứ tư. Trong các vấn đề về sức khỏe, tầm nhìn đến năm 2020, sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ hai, sau các bệnh tim mạch.

Trưởng thành từ gian khó
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 được thành lập năm 1963, 50 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan và các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I từ một cơ sở nhà tranh, vách đất đơn sơ, thiếu thốn mọi bề, đến nay đã phát triển vững chắc về mọi mặt. Khi mới thành lập, bệnh viện có 100 giường bệnh, với tổng số 91 cán bộ, trong đó chỉ có 3 bác sĩ đa khoa, 2 y sĩ, còn lại là y tá, hộ lý. Đến nay, bệnh viện có quy mô 600 giường; tổng số 563 cán bộ, với 158 cán bộ từ đại học trở lên, trong đó có 22 TS và BSCKII, 29 ThS và BSCKI, 10 BS đa khoa, 7 ĐH dược, 8 ĐH tâm lý, 55 ĐH điều dưỡng và 21 ĐH khác.
 
Cùng đó là cơ sở vật chất của bệnh viện cũng không ngừng được cải thiện với hệ thống thiết bị y tế tương đối hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện đã chú trọng đào tạo nguồn cán bộ chuyên khoa có chất lượng, cung cấp phần lớn cán bộ chuyên khoa cho cả nước. Ngay sau khi thành lập không lâu bệnh viện đã đào tạo y sĩ chuyên khoa tâm thần: năm 1968 - 20 học viên, năm 1969 - 32 học viên. Đến nay, bệnh viện đã đào tạo 38 khóa y, BS chuyên khoa định hướng với gần 1.000 học viên; phối hợp với Trường đại học Y Hà Nội và Học viện Quân y đào tạo 3 khóa BS CKI hệ chứng chỉ với 42 học viên. Từ năm 2012, bệnh viện được đào tạo BSCKI tâm thần, hiện đang đào tạo 2 khóa BSCKI hệ tập trung.
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao hơn, bệnh viện đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Hàng trăm đề tài NCKH cấp cơ sở về các lĩnh vực dịch tễ học, lâm sàng và cận lâm sàng thuộc chuyên khoa tâm thần và một số chuyên khoa khác, các đề tài mang tính thời sự và thực tiễn cao như: "Nghiên cứu tính an toàn và hiệu lực cắt cơn nghiện ma túy nhóm Opiats của CAMAT"; "Nghiên cứu dịch tễ lâm sàng 10 rối loạn tâm thần thường gặp ở 8 vùng sinh thái khác nhau trong cả nước", "Nghiên cứu hiệu lực và tính an toàn của thuốc HEANTOS - 4 trong hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy nhóm Opiats", "Nghiên cứu tính an toàn và tác dụng chống tái nghiện ma túy nhóm Opiats của Danapha - Natrex 50",... Mặc khác, Bệnh viện đã chủ động trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực và thế giới để nâng cao hơn nữa chất lượng về chuyên môn.
 
Chăm sóc toàn diện người bệnh tâm thần là công việc đặc thù, người bệnh nặng mới vào điều trị nội trú nên ngoài chăm sóc và điều trị như các chuyên khoa khác còn phải luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm người bệnh, chăm sóc từng sinh hoạt, cơm ăn, nước uống, vệ sinh cá nhân, giấc ngủ cho người bệnh, đồng thời lại phải luôn cảnh giác người bệnh tấn công bất chợt. Tuy chỉ tiêu biên chế ít, thu nhập ngoài lương trước đây không có, hiện nay không đáng kể, môi trường làm việc luôn căng thẳng, nhưng bệnh viện luôn có quan điểm nhất quán là lấy người bệnh làm trung tâm của sự phục vụ, không phân biệt người bệnh có BHYT hay không.

Nguyễn Hồng


Ý kiến của bạn