Hà Nội

5 xét nghiệm không thể bỏ qua khi khám sức khỏe

15-07-2023 13:39 | Y học 360

SKĐS - Xét nghiệm không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý ngay từ giai đoạn đầu, mà còn giúp các bác sĩ theo dõi, đánh giá quá trình điều trị.

Xét nghiệm nước tiểu và ý nghĩa của các chỉ sốXét nghiệm nước tiểu và ý nghĩa của các chỉ số

SKĐS - Nước tiểu là dịch bài xuất quan trọng nhất của cơ thể, bởi chứa phần lớn các chất cặn bã được đào thải ra bên ngoài. Những thay đổi về các chỉ số hoá lý từ nước tiểu đưa đi xét nghiệm sẽ phản ánh những rối loạn chuyển hoá của cơ thể tại thời điểm đó.

Dưới đây là những xét nghiệm bạn không nên bỏ qua:

- Công thức máu

Công thức máu là một phương pháp xét nghiệm mà các giá trị thu được có thể cung cấp thông tin hữu ích về tình trạng của bệnh nhân/người xét nghiệm. Xét nghiệm công thức máu trở thành phương pháp xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất đối với huyết học và y khoa, bởi công dụng và sự tiện lợi mà nó đem lại.

Công thức máu toàn phần là kết quả xét nghiệm thành phần có trong máu, gồm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, số lượng và tính chất của các tế bào thành phần có trong máu này sẽ được thể hiện dưới giá trị đo lường riêng, giúp bác sĩ xác định những vấn đề liên quan đến huyết học của sức khoẻ bệnh nhân/người xét nghiệm.

Đây là một xét nghiệm thường quy, cung cấp nhiều giá trị trong các bệnh lý thường gặp như: Bệnh nhiễm trùng, ung thư máu… và đặc biệt là xem có tình trạng thiếu máu hay không.

- Xét nghiệm đường huyết

Xét nghiệm đường huyết không còn xa lạ với nhiều người, nhất là những người đang mắc bệnh đái tháo đường. Xét nghiệm đường máu hay còn gọi là xét nghiệm đường huyết chính là việc định lượng lượng glucose có trong máu. Và glucose là năng lượng chính trong cơ thể con người.

Xét nghiệm đường trong máu nhằm mục đích phát hiện và theo dõi bệnh đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 và đái tháo đường thai kỳ. Bệnh đái tháo đường được xếp vào loại bệnh rối loạn chuyển hóa. Trong giai đoạn sớm của bệnh, thường không có triệu chứng. Việc phát hiện sớm giúp ích rất nhiều trong việc điều trị nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh như: Tổn thương mắt, thận, tim mạch và hệ thần kinh.

6 xét nghiệm không thể bỏ qua khi khám sức khỏe - Ảnh 2.

Xét nghiệm giúp phát hiện sớm các bệnh lý ngay từ giai đoạn đầu.

- Xét nghiệm cholesterol toàn phần

Xét nghiệm cholesterol toàn phần là một trong những xét nghiệm lipid máu giúp đánh giá chế độ dinh dưỡng, chẩn đoán nguy cơ xơ vữa động mạch và một số bệnh lý khác. Xét nghiệm cholesterol toàn phần được sử dụng rất phổ biến trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lý tim mạch.

Theo như khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch quốc tế, tất cả những người trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol trong máu, vì nồng độ cholesterol tăng cao là tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, vì vậy, việc kiểm tra và điều trị kịp thời sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tim mạch.

- Chức năng gan

Gan là bộ phận quan trọng trong cơ thể con người, khi gan bị tổn thương không chỉ gan bị ảnh hưởng mà các bộ phận khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những bệnh lý gan thường gặp như: Viêm gan do siêu vi, viêm gan do rượu bia, viêm gan do ký sinh trùng, gan nhiễm mỡ… Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế những nguy hiểm của các biến chứng như: Xơ gan, ung thư gan…

- Chức năng thận

Xét nghiệm chức năng thận được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan trong việc loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Do những bệnh lý về thận ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, đặc biệt trong bệnh cao huyết áp lâu ngày không được điều trị triệt để sẽ ảnh hưởng lên thận. Xét nghiệm chức năng thận là phương pháp xét nghiệm máu hoặc nước tiểu, giúp xác định mức độ và hiệu quả hoạt động của cơ quan. Trong đó, hầu hết đều tập trung vào đo mức lọc cầu thận (GFR) nhằm đánh giá khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

6 xét nghiệm không thể bỏ qua khi khám sức khỏe - Ảnh 3.

Công thức máu là một phương pháp xét nghiệm mà các giá trị thu được có thể cung cấp thông tin hữu ích về tình trạng của bệnh nhân/người xét nghiệm.

5 lưu ý để đảm bảo cho kết quả xét nghiệm được chính xác nhất

Kết quả xét nghiệm là những chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe, để đảm bảo cho kết quả xét nghiệm được chính xác nhất, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

- Thời điểm lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng. Có những xét nghiệm để kiểm tra các chỉ số như Glucose, Cholesterol, Triglycerid, HDL-C, LDL-C… cần nhịn đói 8 - 10 giờ trước khi làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy.

- Tránh sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, cà phê), nước ngọt, nước hoa quả... vài giờ trước khi lấy mẫu làm xét nghiệm để có kết quả chính xác.

- Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, nếu bạn đang sử dụng bất kể loại thuốc nào thì cần thông báo cho bác sĩ để có tư vấn, chỉ định phù hợp.

- Đối với các xét nghiệm nước tiểu, bạn cần phải vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài thật sạch với nước, không dùng chất tẩy rửa vì có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Cách lấy mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm: Bạn hãy đi một chút nước tiểu đầu, sau đó mới lấy nước tiểu giữa dòng vào ống đựng vô khuẩn do nhân viên y tế chuẩn bị trước.

- Đối với xét nghiệm tế bào cổ tử cung, làm tốt nhất sau khi sạch kinh 7 - 10 ngày, không làm xét nghiệm này khi đang trong chu kỳ kinh hoặc đang có ra máu âm đạo.

Những sai lầm cần tránh

1. Tự ý bỏ tái khám

Một số căn bệnh mãn tính rất dễ tái đi tái lại. Thông thường, điều trị một căn bệnh đều có lộ trình riêng. Ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm hoặc các dấu hiệu bệnh lý không còn nữa, bạn chỉ nên ngưng tái khám khi bác sĩ cho phép và nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống, các bài luyện tập để bệnh không tái phát.

2. Tự ý mua thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ

Một số người tự ý mua thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ đã điều trị trước đó. Điều này tuyệt đối không nên, vì thông thường bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình hiện tại để điều chỉnh loại thuốc, liều lượng.

Tóm lại: Khám sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán sớm những bệnh như: Tiểu đường, xơ gan, ung thư, cao huyết áp, suy thận, các bệnh về tim mạch, rối loạn nội tiết và cả các rối loạn về thần kinh... từ đó có chiến lược điều trị kịp thời. Phần trăm điều trị thành công của bệnh nhân ở những giai đoạn đầu luôn cao hơn và ít tốn kém hơn. Thông thường, ở giai đoạn đầu của một số bệnh, các dấu hiệu có thể chưa rõ ràng. Nhưng nếu như cơ thể bạn đã có dấu hiệu bất thường thì nên đi khám, đặc biệt với những người có chế độ sinh hoạt, ăn uống chưa khoa học hoặc người thân có tiền sử mắc các bệnh có khả năng di truyền.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-

BSCK II. Nguyễn Văn Mạnh
Ý kiến của bạn