1. Vì sao người hút thuốc lá bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng?
Hút thuốc lá, ngoài việc làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh về đường hô hấp còn dẫn đến sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, do tác động của thuốc lá đối với quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng.
Tác động này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm:
- Giảm ăn uống: Nicotine có trong thuốc lá có tác động đối với một loại hormone (leptin) làm thay đổi cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn và cũng làm tăng tiêu hao năng lượng. Thuốc lá cũng gây ra những thay đổi trong hành vi ăn uống. Khứu giác và vị giác bị suy giảm do hút thuốc làm khô miệng và làm giảm hương vị của thức ăn. Những người hút thuốc cũng có nhiều khả năng có thói quen ăn uống xấu như tiêu thụ nhiều cà phê, rượu, thực phẩm béo, ăn không đủ trái cây và rau xanh.
- Cản trở hấp thụ dinh dưỡng: Hút thuốc có tác động tiêu cực đến cách cơ thể sử dụng vitamin và chất dinh dưỡng. Nicotine và các chất độc hại có trong thuốc lá không chỉ làm cơ thể mất vitamin và khoáng chất mà còn ngăn cản sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu này.
- Tác động tiêu cực lên hệ tiêu hóa: Hút thuốc lá làm giảm sự tiết dịch tiêu hóa và gây ra các vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng, trào ngược dạ dày và tá tràng… làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
- Gây tổn thương gan: Gan chịu trách nhiệm về việc chuyển hóa và lưu trữ nhiều dưỡng chất, chức năng gan bị ảnh hưởng có thể làm giảm khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.
- Cản trở hệ thống miễn dịch: Thuốc lá có thể làm giảm chức năng miễn dịch, làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, làm cho người hút thuốc lá dễ bị bệnh và thiếu hụt dưỡng chất.
Vì vậy, người nghiện hút thuốc lá cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối và đủ dưỡng chất, để bù đắp cho những ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá lên sức khỏe.
2. Các vitamin và khoáng chất có nguy cơ thiếu hụt ở người hút thuốc lá
Vitamin C rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể, giúp tăng cường sức mạnh, chống lại các bệnh do virus, vi khuẩn hoặc bệnh truyền nhiễm và có chức năng giải độc. Những người nghiện thuốc lá nặng có xu hướng thiếu vitamin, đặc biệt là thiếu vitamin C.
Khi hút thuốc, nhu cầu vitamin C tăng lên, làm giảm lượng vitamin dự trữ trong cơ thể. Theo các số liệu, hút một điếu thuốc sẽ lấy đi 25mg vitamin C của cơ thể (tương đương với hàm lượng vitamin C trong một quả cam).
Điều tương tự cũng xảy ra với vitamin E, một chất chống oxy hóa mạnh và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiều bệnh lý (bệnh tim mạch, Parkinson, Alzheimer và thậm chí cả ung thư).
Do thuốc lá dẫn đến thiếu vitamin C, cần thiết cho sự hấp thụ sắt, hút thuốc cũng dẫn đến thiếu sắt. Sắt là một yếu tố thiết yếu trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Thiếu hụt sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, các triệu chứng là: mệt mỏi, tiêu chảy, yếu cơ, khó chịu, lú lẫn hoặc giảm trí nhớ.
Hút thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin D, vitamin có vai trò quan trọng trong hấp thụ canxi. Việc giảm hấp thu canxi, kết hợp với giảm hấp thu vitamin D sẽ đẩy nhanh quá trình mất xương, dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương hoặc thậm chí gãy xương.
Các nghiên cứu đã chỉ ra sự thiếu hụt vitamin A ở những người hút thuốc. Thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến giảm thị lực và phát triển các bệnh nghiêm trọng về mắt. Thiếu vitamin A cũng liên quan đến suy hô hấp hoặc thậm chí là các vấn đề về tăng động thái quá.
Những vi chất dinh dưỡng trên đều rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Vì vậy, người hút thuốc cần tìm cách từ bỏ thói quen này và tập trung vào việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối, đa dạng và đủ dinh dưỡng.
Nếu cần thiết, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe và tư vấn về chế độ ăn uống, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Viêm mũi xoang khi nào cần phẫu thuật?