Hà Nội

5 vị thuốc trị thiếu máu não, cách sử dụng và lưu ý khi dùng

SKĐS - Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu tới não bị gián đoạn, dẫn tới thiếu hụt oxy và dưỡng chất. Điều này khiến cấu trúc, chức năng của hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số nguyên nhân dẫn tới thiếu máu não như xơ vữa động mạch, thoái hóa cột sống cổ, người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp…

Ngoài ra có những yếu tố sinh hoạt như lo lắng, căng thẳng kéo dài, thường xuyên sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, không tập thể dục… cũng là những yếu tố nguy cơ gây thiếu máu não.

Một số biểu hiện thường thấy khi bị thiếu máu não như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ăn ngủ kém, suy giảm trí nhớ, kém tập trung. Khi bệnh trở nên nặng dần, người bệnh có thể mất trí nhớ, nói lắp, thần kinh không ổn định, nguy cơ đột quỵ cao dẫn tới tử vong...

Bên cạnh sử dụng thuốc tây y điều trị thiếu máu não thì một số loại thuốc dân gian cũng có thể cải thiện tình trạng này.

1. Bạch quả trị thiếu máu não

photo-1692248664307

Cao lá cây bạch quả có tác dụng tăng cường lưu thông máu, ngăn ngừa thiếu máu não.

Cao chiết xuất từ lá cây bạch quả được dùng để điều trị thiếu máu não do có chứa các chất flavonoid, terpenoid có tính chống oxy hóa, chống viêm... có tác dụng làm tăng lưu lượng máu lên não, tăng dẫn truyền thần kinh trong não.

Cao bạch quả điều trị các chứng đau đầu hoa mắt, chóng mặt, ù tai, ăn ngủ kém, sa sút trí tuệ.

Cách dùng: Ngày uống 80mg cao bạch quả chia 02 lần, uống liên tục từ 3-6 tháng. Hoặc sử dụng kết hợp 4g lá khô cây bạch quả, 4g xuyên khung, 4g tế tân, 4g thục địa, 4g bạch chỉ, sắc uống trong 15 ngày, uống đều đặn, liên tục để có kết quả.

2. Tam thất

Tam thất vị ngọt, hơi đắng tính ôn, quy kinh can vị, tác dụng hoạt huyết, chỉ thống; có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, tăng cường lưu lượng tuần hoàn máu não, điều trị các chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ăn ngủ kém.

Ngoài ra, tam thất còn có chứa saponin kích thích thần kinh trung ương, chống trầm cảm, giải tỏa stress, phục hồi hệ thần kinh, tăng cường trí nhớ.

Cách dùng: Dùng bột tam thất uống 1,5g/ngày chia 02 lần, liên tục từ 2-4 tuần.

3. Xuyên khung

Xuyên khung vị cay tính ôn, quy kinh can đởm, tâm bào tác dụng hành khí hoạt huyết, trừ phong thấp chỉ thống.

Xuyên khung tác dụng hoạt huyết, điều huyết giúp lưu thông khí huyết, tăng cường lưu lượng máu lên não, giãn mạch, hạ áp, điều trị chứng đau đầu, chóng mặt, ăn uống kém…

Cách dùng: Xuyên khung nghiền thành bột uống ngày 02 lần, mỗi lần 6g trong 2-4 tuần.

Hoặc 4g xuyên khung, 6g trà diệp, 6g bạch chỉ, sắc uống trong 10-15 ngày.

photo-1692248665334

Vị thuốc xuyên khung giúp giảm đau đầu, chóng mặt do thiếu máu não.

4. Đương quy

Đương quy vị ngọt tính ấm, quy 3 kinh tâm, can, tỳ tác dụng hoạt huyết, bổ huyết nhuận táo, chỉ thống; có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, giúp bổ sung khí huyết cho cơ thể, làm tăng lưu lượng máu lên não, giúp điều trị chứng đau đầu, chóng mặt, ăn ngủ kém, người gầy yếu, xanh xao.

Cách dùng: Đương quy 12g, đẳng sâm 12g, xuyên khung 6g. Sắc uống hàng ngày, trong 3-5 tuần.

5 vị thuốc trị thiếu máu não- Cách sử dụng và lưu ý khi dùng  - Ảnh 4.

Vị thuốc đương quy.

5. Thiên ma

Thiên ma vị ngọt tính bình quy kinh can, tác dụng tức phong, chỉ kinh, bình can, tiềm dương; có khả năng ức chế quá trình chết rụng của tế bào thần kinh, bảo vệ, phục hồi những tổn thương sau cơn thiếu máu não cục bộ.

Thiên ma có hoạt chất chống oxy hóa cao, tăng quá trình tái tưới máu, giúp bảo vệ tế bào thần kinh não.

Cách dùng: Thiên ma 5g, câu đằng 10 g, thạch quyết minh 10g, bột ngó sen 15g. Thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh bọc vải sắc uống, hòa bột ngó sen vào cho chín, uống trong 05 ngày.

photo-1692248665829

Thiên ma có tác dụng phục hồi tổn thương sau cơn thiếu máu não cục bộ.

Lưu ý khi dùng thảo dược trị thiếu máu não:

  • Cần tuân thủ thời gian, liều lượng uống thuốc của bác sỹ để đạt hiệu quả. Hoặc nếu uống quá liều có thể gây nghiện, phụ thuộc thuốc, hoặc ngộ độc mất cân bằng công năng tạng phủ (gan, thận), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Tránh tương tác với các loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh nền của họ.
  • Tùy vào tình trạng bệnh nặng, nhẹ, cơ địa, khả năng hấp thụ và bệnh nền của người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc trong thời gian ngắn nhất có tác dụng điều trị, tránh tác dụng phụ của thuốc.
  • Trong quá trình điều trị, người bệnh cần dùng liên tục, không được bỏ thuốc...

Mời bạn xem tiếp video:

Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần lưu ý gì?



BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn