Mùa đông khiến cơ thể dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như các bệnh lý đường hô hấp (viêm họng, viêm xoang, viêm phổi...). Ngoài ra, các bệnh mạn tính về xương khớp hoặc tim mạch cũng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, hệ miễn dịch của cơ thể có xu hướng suy giảm vào mùa đông, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh từ vi khuẩn, virus, nấm...
Các vị thuốc là những dược liệu tự nhiên không chỉ giúp làm ấm cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn.
Dưới đây là một số vị thuốc y học cổ truyền nổi bật có tác dụng tăng cường sức đề kháng trong mùa đông:
1. Đương quy hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa lạnh
Đương quy là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, có vị ngọt, cay, tính ấm, mùi thơm; quy vào các kinh Tâm, Can và Tỳ; là vị thuốc được biết đến nhiều với công dụng bổ huyết, hoạt huyết và tăng cường sức đề kháng.
Đương quy giúp cải thiện tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại cảm lạnh, cúm hay các bệnh về đường hô hấp. Khi kết hợp với mật ong - một "kháng sinh tự nhiên" giàu dưỡng chất thì hiệu quả của đương quy lại càng được tăng cường, giúp cho làn da luôn được hồng hào, căng mịn, giảm thiểu tình trạng thô ráp, nứt nẻ khi mùa đông về.
Cách dùng: Mỗi ngày, có thể dùng 1-2 muỗng cà phê đương quy ngâm mật ong pha với nước ấm uống vào buổi sáng trước bữa ăn. Ngoài ra, hỗn hợp này cũng có thể dùng để chăm sóc da bằng cách thoa lên da mặt, giúp da mịn màng và sáng khỏe hơn.
2. Đông trùng hạ thảo
Theo y học cổ truyền, trùng thảo có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh Phế, Thận; có tác dụng bổ thận ích phế, ôn thận nạp khí và hóa đàm bình suyễn. Theo các nghiên cứu cho thấy, đông trùng hạ thảo chứa nhiều hoạt chất quý như cordycepin, adenosine, polysaccharide và các acid amin thiết yếu.
Những thành phần này có khả năng tăng cường hoạt động của tế bào bạch cầu, cải thiện chức năng hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Việc sử dụng đông trùng hạ thảo đều đặn không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ cơ thể dự trữ năng lượng, giảm mệt mỏi trong mùa đông.
Cách dùng phổ biến hiện nay là dùng đơn độc trùng thảo, thường có thể pha hãm chè để uống nước và ăn cả con, hoặc nấu cháo ăn, được gọi là canh dưỡng sinh mùa đông.
Lưu ý: Trùng thảo bản chất chính là một loại nấm mọc ký sinh trong con sâu, sau đó phát triển thành một loại cây, cây mọc khi sâu vẫn sống, lấy hoạt chất từ sâu để phát triển thành cây. Chính vì thế khi chọn trùng thảo phải có đầy đủ cả sâu và cây. Các loại trùng thảo trên thị trường hiện nay chỉ có sâu mà không có cây thì tác dụng kém hơn rất nhiều vì đa phần là nuôi cấy.
3. Long nhãn
Theo y học cổ truyền, long nhãn có vị ngọt, tính ấm, giúp bổ tỳ, dưỡng huyết và an thần. Thành phần của long nhãn chứa nhiều dưỡng chất như glucose, saponin, các vitamin nhóm B và khoáng chất, cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi, cải thiện sức khỏe.
Để sử dụng, có thể thêm long nhãn vào các món chè, nước sắc, hoặc pha trà với gừng, táo đỏ để giữ ấm cơ thể, tăng hiệu quả bồi bổ. Long nhãn không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng mà còn hỗ trợ tuần hoàn máu, kích thích tạo huyết mới và giúp cơ thể luôn khỏe mạnh trong mùa đông lạnh giá. Có thể dùng ăn trực tiếp hoặc pha trà cùng với các vị thuốc như cúc hoa, kỷ tử…
4. Hoài sơn
Hoài sơn hay còn gọi là củ mài, được biết đến với công dụng bổ tỳ vị, dưỡng phế, sinh tân dịch và tăng cường sức khỏe. Theo Đông y, hoài sơn có vị ngọt, tính bình, đi vào các kinh Tỳ, Phế và Thận... từ đó tăng cường chức năng vận hóa của Tỳ, giúp cho quá trình tiêu hóa được tốt hơn, cải thiện khả năng hấp thụ dưỡng chất, làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn trong mùa đông lạnh giá.
Hoài sơn là một vị thuốc cố thận sáp tinh, giữ gìn được tinh tủy bế tàng, tránh bị hao tinh tổn huyết trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Ngoài ra, với tác dụng sinh tân dịch, hoài sơn được coi là một trong những vị thuốc hàng đầu để dưỡng Vị âm, dùng rất tốt cho những người ăn uống kém, suy nhược cơ thể, mệt mỏi nhiều khi thời tiết lạnh.
Về thành phần dinh dưỡng, hoài sơn chứa nhiều chất bột đường, protein, các vitamin và khoáng chất như canxi, sắt, phốt pho, cung cấp năng lượng, bổ sung dưỡng chất và hỗ trợ hệ miễn dịch.
Cách dùng: Nấu cháo ăn hàng ngày hoặc hầm canh cùng với các vị thuốc khác như táo đỏ, kỷ tử… để tăng cường dinh dưỡng.
5. Đại táo
Đại táo là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền, đặc biệt hữu ích trong mùa đông nhờ tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng huyết và tăng cường sức đề kháng. Với vị ngọt, tính ấm, đại táo giúp bồi bổ khí huyết, ích Tỳ khí, tăng cường sự vận hóa của Tỳ vị trong mùa đông khắc nghiệt.
Ngoài ra, đại táo còn có công dụng làm nhuận da và lông tóc. Vào mùa đông, khi thời tiết khô hanh dễ khiến da bị nứt nẻ, việc sử dụng táo đỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp duy trì độ ẩm cho da, làm mềm da, giúp tóc không bị khô, xơ rối.
Cách dùng: Đại táo có thể đem hầm cùng các món cháo, canh hoặc sắc uống như trà.
Những vị thuốc y học cổ truyền mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trong tiết trời lạnh giá nhưng khi sử dụng cần lưu ý lựa chọn các dược liệu phù hợp với cơ thể và tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, việc sử dụng các vị thuốc cần tuân thủ đúng liều lượng và cách chế biến.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hiểu đúng về sức đề kháng và tăng sức đề kháng | SKĐS