5 vị thuốc giải độc cơ thể mùa nóng

01-08-2024 14:00 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Bên cạnh các món ăn giải nhiệt mùa nóng, nhiều người đã tìm đến và sử dụng thường xuyên hơn các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc mang lại lợi ích và lành tính khi sử dụng.

Thời tiết nóng bức, con người rất dễ gặp phải tình trạng nóng trong người, thần kinh căng thẳng, có thể "phát hỏa" bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ bắt nguồn từ nhiệt độ tăng cao bên ngoài, mà vào mùa nóng, quá trình chuyển hóa cơ thể cũng diễn ra mạnh hơn để nhanh chóng đào thải các chất độc ra ngoài cơ thể.

Bên cạnh đó, nhiệt độc còn được sinh ra từ thói quen sai lầm khi chúng ta thường xuyên sử dụng các đồ ăn, thức uống có tính nóng khiến cơ thể tích nhiệt, gây nóng trong người, thậm chí nổi mụn nhọt, miệng lưỡi lở loét, nóng rát dạ dày…

Bên cạnh các món ăn giải nhiệt mùa nóng, hiện nay rất nhiều người đã tìm đến và sử dụng thường xuyên hơn các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc của Y học cổ truyền. Các vị thuốc này mang lại nhiều lợi ích cho người dùng và an toàn, lành tính khi sử dụng.

5 vị thuốc giải độc cơ thể mùa nóng- Ảnh 2.

Cây hoắc hương cho vị thuốc giải độc cơ thể hữu hiệu.

Dưới đây là một số vị thuốc thanh nhiệt giải độc cơ thể:

1. Hoắc hương - vị thuốc giúp giải độc cơ thể

Hoắc hương được mệnh danh là vị thuốc của mùa oi nóng. Hoắc hương có hai loại là Quảng hoắc hương và Thổ hoắc hương. Bộ phận dùng là cành và lá phơi hay sấy khô hoặc toàn cây (trừ rễ) phơi hay sấy khô của cây hoắc hương.

Theo Y học cổ truyền, hoắc hương có vị cay, tính thăng tán, mùi thơm, có tác dụng phương hương hóa thấp. Bên ngoài thì phát tán giải biểu, giải thử (nắng nóng), bên trong thì hóa thấp điều hòa trung tiêu. Cho nên đây là vị thuốc chủ yếu để chữa mùa nóng bị cảm nắng hoặc mùa nóng ăn các đồ sống lạnh nhiều, gây nôn mửa tiêu chảy, đau bụng, ngực bụng đầy ách, khó chịu, toàn thân đau nhức.

Hoắc hương chính là vị thuốc cứu cánh tuyệt vời cho những trường hợp này.

Cách dùng: Dùng lá hoắc hương, trần bì, bán hạ chế mỗi vị 10g, đinh hương 2g đem đi sắc uống. Thực hiện liên tục bài thuốc, mỗi ngày 1 lần cho đến khi dứt điểm triệu chứng.

5 vị thuốc giải độc cơ thể mùa nóng- Ảnh 3.

Hoàng liên là có vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa mạnh.

2. Hoàng liên

Theo Y học cổ truyền, hoàng liên vị đắng, tính hàn, quy vào kinh tâm, vị, tiểu trường, là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa mạnh nhất, là vị thuốc hàng đầu đi vào kinh tâm - là sứ dược của tâm.

Ngoài ra, còn thanh tả hỏa ở dạ dày, thanh nhiệt ở dạ dày cực mạnh, dùng điều trị chứng mắt đỏ sưng đau, miệng lưỡi lở loét, ung độc nhọt độc, vị nhiệt gây nôn mửa…

Cách dùng: Hoàng liên 12g, đương quy 8g, đan bì 8g, sinh địa 12g, thăng ma 6g. Có thể tán bột để dùng hoặc sắc uống, mỗi ngày 2 lần cho đến khi hết triệu chứng.

5 vị thuốc giải độc cơ thể mùa nóng- Ảnh 4.

Kim ngân hoa mạnh về thanh nhiệt giải độc.

3. Kim ngân hoa

Theo Y học cổ truyền, kim ngân hoa có vị đắng, ngọt, tính hàn, mạnh về thanh nhiệt giải độc, có hương thơm có khả năng sơ tán phong nhiệt; bên trong thì làm mát bên ngoài thì tán tà. Kim ngân hoa thích hợp với các chứng nhiệt độc bên trong, ngoại cảm ôn nhiệt bên ngoài.

Ngoài ra, vị thuốc này còn có tác dụng diệt khuẩn, chứa dược chất tiêu viêm mạnh, giúp thanh nhiệt giải độc và đẩy độc tố ra bên ngoài cơ thể. Dùng tốt cho các trường hợp mụn nhọt, ổ viêm, sưng mủ vàng…

Cách dùng: Trà kim ngân hoa, có thể dùng hãm, pha như trà uống hàng ngày vào mùa nóng, sẽ giúp thanh nhiệt giải độc rất tốt.

5 vị thuốc giải độc cơ thể mùa nóng- Ảnh 5.

Bồ công anh giúp thanh nhiệt giải độc, tán kết tiêu ung.

4. Bồ công anh

Bồ công anh còn gọi là hoàng hoa địa đinh, có vị ngọt, đắng, tính hàn. Quy vào kinh can, vị. Loại thuốc này giúp thanh nhiệt giải độc, tán kết tiêu ung, trị chứng đinh nhọt sưng độc, sưng vú, nhiễm trùng đường tiểu.

Cách dùng: Bồ công anh 20g, cúc hoa 12g, kim ngân hoa 12g, cam thảo 10g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang. Chia 3 lần sáng - trưa - tối.

5 vị thuốc giải độc cơ thể mùa nóng- Ảnh 6.

Cát căn có tác dụng giải độc, dẫn tà độc ra ngoài.

5. Cát căn

Theo Y học cổ truyền, cát căn có vị cam, tân, tính bình. Quy vào kinh tỳ, kinh vị, vị thuốc này có tính thăng phát dương khí, giúp tán tà, giải cơ biểu, điều trị các chứng cảm mạo phát sốt, sợ lạnh, đau đầu…

Đồng thời còn có thể thấu ban chẩn, giải độc, dẫn tà độc ra ngoài. Đây là vị thuốc thanh nhiệt mà tính lại cam (ngọt) cho nên không những không làm hao tổn tân dịch mà còn sinh tân dịch chỉ khát vô cùng tuyệt vời.

Nên trong những trường hợp tiêu chảy do thấp nhiệt, miệng khô, họng khát cũng đều có thể dùng được.

Cách dùng: Cát căn tán bột 12g, hòa với 300ml nước, thêm một chút đường để cho dễ uống. Ngày uống 2 lần chia sáng - chiều.

Lưu ý: Các thuốc thanh nhiệt giải độc thường có vị đắng, tính hàn nên thường làm tổn thương tân dịch, làm hao khí khi sử dụng dài ngày. Chính vì vậy, khi sử dụng các thuốc thanh nhiệt nên sử dụng trong thời gian ngắn, không nên dùng kéo dài.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo: Gặp họa do thải độc gan theo quảng cáo.


BSNT. Phan Bích Hằng
Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn