Nhiều người thường lầm tưởng rằng vaccine chỉ dành cho trẻ em. Tuy nhiên, người lớn tuổi phải đối mặt với nguy cơ biến chứng cao hơn từ những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.
Người già được coi là nhóm có hệ miễn dịch yếu. Hơn nữa lại thường mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch… nên khi đã nhiễm bệnh thì dễ mắc bệnh nặng. Đặc biệt, khi các vấn đề liên quan đến các bệnh truyền nhiễm như virus mới tiếp tục xuất hiện, các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây tử vong nhiều hơn thì nhận thức về tiêm chủng cho người lớn tuổi cũng cần tăng lên.
Dưới đây là những nhóm vaccine người già nên bổ sung vào lịch tiêm chủng:
1. Vaccine zona thần kinh
Cơn đau do bệnh zona gây ra nghiêm trọng đến mức được gọi là "vua của nỗi đau". Nguyên nhân là do virus gây bệnh zona liên tục phá hủy các tế bào thần kinh gây đau, gây ra những cơn đau không thể chịu nổi.
Nếu không được điều trị đúng cách ở giai đoạn đầu, cơn đau có thể kéo dài, để lại những vấn đề thứ phát như trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ. Bệnh thường tăng nhanh sau tuổi 45 và xảy ra thường xuyên nhất ở những người ở độ tuổi 70. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh zona cho người già là tiêm vaccine.
Vaccine zona được tiêm một lần cho những người trên 50 tuổi. Ngoài ra, ngay cả khi những người bị bệnh zona sau khi tiêm chủng thì các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn và tỷ lệ mắc các tác dụng phụ như đau dây thần kinh cũng giảm.
2. Vaccine phế cầu
Phế cầu khuẩn là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, là một trong những vi khuẩn chính gây nhiễm trùng xâm lấn như viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não. Mặc dù không gây ra triệu chứng ở hầu hết người lớn khỏe mạnh nhưng có thể gây nhiễm trùng xâm lấn ở người già hoặc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, thậm chí gây tử vong.
Hiện viêm phổi do phế cầu khuẩn là loại viêm phổi có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng. Vaccine phế cầu đã được chứng minh tạo miễn dịch giúp bảo vệ lá phổi, tăng cường đề kháng hô hấp cho nhóm người yếu thế, đặc biệt là người già.
3. Vaccine viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus. Bệnh không lây truyền từ người sang người mà qua muỗi (culex tritaeniorhynchus) nhiễm virus viêm não Nhật Bản.
Hiện viêm não Nhật Bản không có phương pháp điều trị hiệu quả, việc điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng, phối hợp với các biện pháp hỗ trợ để nâng cao thể chất và sức khỏe. Bệnh tiên lượng xấu, có thể tử vong. Vì vậy, tiêm vaccine đầy đủ là cách duy nhất để phòng tránh viêm não Nhật Bản.
Tuy nhiên, không nên tiêm cho bệnh nhân ung thư đang trải qua hóa trị liệu, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc sau khi ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc tạo máu.
4. Vaccine cúm
Cúm lây từ người này sang người khác qua các giọt hô hấp tiết ra khi bệnh nhân bị cúm cấp tính ho hoặc hắt hơi. Vì vậy, khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc gần với bệnh nhân cúm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt đột ngột (trên 38 độ C), nhức đầu, suy nhược toàn thân, ho khan, đau họng, nghẹt mũi và đau cơ. Người già bị cúm thường nảy sinh biến chứng nguy hiểm.
Dịch cúm có xu hướng gia tăng trong mùa đông, xuân và tác dụng phòng ngừa xuất hiện hai tuần sau khi tiêm chủng và kéo dài khoảng 3 đến 12 tháng (trung bình 6 tháng), nên hoàn thành tiêm chủng tại cơ sở y tế gần nhất trước khi dịch xuất hiện.
5. Vaccine COVID-19
Mặc dù gánh nặng của đại dịch đã giảm bớt đáng kể nhưng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do nhiễm COVID-19 tăng theo độ tuổi, trong đó người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Hơn nữa, nguy cơ này sẽ tăng lên nếu mắc bệnh nền hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.
Vì vậy, mục đích chính của việc tiêm chủng ngừa COVID-19 tiếp tục là giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Tiêm vaccine phế cầu, cúm tăng khả năng bảo vệ trước Covid-19.