Các nghiên cứu đã cho thấy việc tập thể dục vừa phải từ 45 phút mỗi ngày với những tư thế yoga dưới đây có thể giúp bạn nâng cao sức đề kháng của cơ thể, cải thiện các chức năng miễn dịch, phòng ngừa cảm lạnh.
1. Tư thế “Đứa trẻ”
Khi bạn hít thở sâu bằng bụng trong tư thế “Đứa trẻ”, hệ thần kinh trung ương và tuyến thượng thận sẽ được làm dịu lại. Tư thế phục hồi đơn giản này sẽ giúp thiết lập lại toàn bộ cơ thể, đồng thời cho phép chúng thư giãn và hoạt động tại mức tiềm năng cao nhất.
Thực hiện:
- Quỳ trên thảm tập với hai đầu gối mở rộng bằng hông và các ngón chân cái chạm nhau ở phía sau.
- Hít một hơi thật sâu và khi từ từ thở ra thì đồng thời thân mình hạ dần xuống đùi. Cố gắng kéo dài cổ và cột sống của bạn bằng cách giãn xương sườn xa hơn khỏi xương cụt và vươn đỉnh đầu ra xa vai.
- Duỗi hai cánh tay ra hoàn toàn trước mặt.
- Giữ nguyên tư thế trong 5 nhịp thở hoặc lâu hơn nếu có thể.
2. Tư thế “Gập người mở rộng chân”
Tư thế này giúp toàn bộ cơ thể được giải phóng đáng kể. Thậm chí, bất cứ khi nào bạn tập (để đầu ở vị trí thấp hơn trái tim), bạn đang giúp hệ thống bạch huyết làm sạch các độc tố trong cơ thể, nhờ đó thúc đẩy khả năng chống lại các chứng nhiễm trùng.
Thực hiện:
- Đầu tiên, hãy đứng với hai bàn chân cách nhau khoảng 1,2-1,3 mét, gót chân hơi hướng ra ngoài so với các ngón chân. Đứng thẳng, hai bàn tay lồng vào nhau và đặt ra phía sau, ép phần cổ tay lại với nhau.
- Hít một hơi thật sâu và từ từ gập thân người về phía trước, hạ tay xuống càng thấp càng tốt (như hình). Giữ cho cột sống dài và thẳng trong khi bạn hít vào và thở ra 5 nhịp sâu. Đứng vững và từ từ nâng người thẳng dậy.
3. Tư thế “Nghiêng một bên”
Động tác này có tác dụng đào thải chất độc từ các cơ quan nội tạng và cung cấp cho cơ thể một khởi đầu mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng.
Thực hiện:
- Đứng với hai chân chụm lại, khuỵu đầu gối xuống và giữ ở vị trí ngồi xổm. Vòng khuỷu tay phải qua đùi trái sao cho lòng bàn tay phải đặt áp sát xuống thảm bên cạnh chân trái. Nếu không thể với xuống sàn bằng mọi cách, hãy thả lỏng các ngón tay trong không khí, cố gắng càng gần sàn càng tốt.
- Vươn cánh tay trái hướng lên phía trần nhà, hai vai thẳng hàng và nhìn theo bàn tay đang ở trên cao. Hãy đảm bảo hai đầu gối vẫn song song. Giữ trong 5 nhịp thở sâu.
- Dồn trọng lượng xuống bàn chân, hít vào trong khi trở lại tư thế ban đầu và thở ra để lặp lại động tác này với bên phải, giữ yên trong 5 nhịp thở.
4. Tư thế “Chó ba chân”
Tư thế này thách thức sức mạnh và cũng cực kỳ hiệu quả trong việc thúc đẩy lưu thông máu đến các bộ phận trên khắp cơ thể.
Thực hiện:
- Đứng vào tư thế chuẩn bị với bàn tay và đầu gối chạm sàn, khoảng cách giữa các bàn tay bằng vai, hai đầu gối đặt thẳng so với hai bên hông. Chụm các đầu ngón chân và duỗi thẳng cẳng chân.
- Giữ vai song song với sàn nhà, đẩy hai chân sát lại với nhau và nâng chân phải lên. Sau 5 nhịp hít thở sâu, hạ thấp chân về vị trí cũ và lặp lại động tác với chân bên trái.
5. Tư thế “Cây cung”
Động tác này sẽ giúp hệ thống tiêu hóa trở nên khỏe và mạnh mẽ bằng cách tăng cường lưu thông máu giàu oxy đến các cơ quan này. Nếu vùng xương chậu của bạn bị đau hay hệ tiêu hóa cần được cải thiên, hãy lựa chọn thực hành tư thế này càng sớm càng tốt.
Thực hiện:
- Nằm sấp xuống thảm, gập đầu gối và bàn tay lần lượt nắm vào mép ngoài của mắt cá chân phải và sau đó là trái. Một khi đã giữ chắc mỗi mắt cá chân, bạn hãy uốn cong cả hai bàn chân, kéo chúng ra xa cơ thể để tăng sức căng ở ngực và vai.
- Nâng chân lên cao hết mức có thể và dồn trọng lượng cơ thể về phía trước, nhờ đó, bạn có thể tựa yên trên vùng rốn thay vì trên xương mu.
- Giữ nguyên tư thế trong 5 nhịp hít thở sâu và sau đó từ từ thả lỏng ra.