Ngoài khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì nhận biết thông qua triệu chứng polyp đại tràng cũng giúp người bệnh dễ dàng điều trị hơn.
Các yếu tố nguy cơ mắc polyp đại tràng
Polyp rất phổ biến ở cả nam và nữ (30-50% người lớn), các yếu tố như chế độ ăn uống và môi trường đóng vai trò nhất định trong việc hình thành polyp như :
- Chế độ ăn nhiều chất béo
- Chế độ ăn nhiều thịt đỏ
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Tuổi - ung thư đại trực tràng và polyp không phổ biến trước tuổi 40. 90% các trường hợp xảy ra sau 50 tuổi, do đó, sàng lọc ung thư đại trực tràng thường được khuyến nghị bắt đầu ở tuổi 50.
- Tiền sử gia đình và di truyền học - Polyp và ung thư đại trực tràng có xu hướng gặp nhiều người trong gia đình, cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển polyp. Ngoài ra một số bệnh di truyền hiếm gặp có thể gây ra tỷ lệ cao bị ung thư đại trực tràng ở lứa tuổi sớm hơn. Các xét nghiệm về gen có thể được khuyến nghị cho các gia đình có tỷ lệ ung thư cao.

Triệu chứng rất thường gặp trong polyp đại tràng là đau bụng thường nhẹ và không rõ điểm đau
Các triệu chứng của polyp đại tràng
Trên thực tế polyp đại tràng cũng như ung thư thường phát triển rất thầm lặng và không có triệu chứng rõ rệt.
Hơn nữa khi có triệu chứng các triệu chứng này thường chung chung và không chỉ ra một bệnh lý cụ thể, do đó khi các các triệu chứng sau người bệnh cần thăm khám và rà soát để tránh bỏ qua bệnh:
- Đau bụng: đây là triệu chứng rất thường gặp trong polyp đại tràng nhưng thường xuyên bị bỏ qua do cơn đau bụng thường nhẹ và không rõ điểm đau.
- Thay đổi màu sắc phân: phân có thể có màu đen hoặc lẫn màu đỏ tươi của máu do polyp bị chảy máu. Tuy nhiên, sự thay đổi màu sắc phân cũng có thể do các yếu tố như thực phẩm hoặc thuốc gây ra.
- Thay đổi thói quen đại tiện: đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón không rõ nguyên nhân kéo dài khoảng 1 tuần. Ngoài ra, khi polyp to hoặc bị loét có thể sẽ gây ra triệu chứng như đau quặn, mót rặn,...
- Thiếu máu: polyp có thể gây chảy máu chậm theo thời gian làm hao hụt sắt và dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, khiến người bệnh suy nhược, da nhợt nhạt,...
- Các triệu chứng khác: kích thước polyp lớn có thể chặn một phần ruột gây tắc ruột, nôn, bí trung đại tiện...
Điều trị polyp đại tràng như nào?
Khi có polyp đại tràng nhiều người lo lắng sẽ tiến triển thành ung thư và đây là mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, bản thân từ polyp nghĩa là lành tính. Hầu hết các polyp là lành tính, chỉ một số ít polyp đặc biệt mới có nguy cơ chuyển thành ung thư và trong 1 khoảng thời gian dài từ 5-10 năm.
Khi mắc polyp đại tràng các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau.
- Nội soi đại tràng cắt polyp: Đây là phương pháp tối ưu, lựa chọn đầu tay với 1 loạt ưu điểm vượt trội mà không phương pháp nào có thể so sánh được như: can thiệp không xâm lấn, không đau, rất ít biến chứng, sau thủ thuật bệnh nhân có thể quay về cuộc sống hàng ngày mà không phải kiêng khem, hay áp dụng chế độ nào và có thể áp dụng với phần lớn các polyp đại tràng.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt polyp: Áp dụng với trường hợp polyp quá to, được đánh dấu qua nội soi đại tràng vị trí polyp, hoặc chủ động cắt qua nội soi đại tràng chấp nhận nguy cơ thủng, sau đó phẫu thuật nội soi ổ bụng vá lỗ thủng.
- Phẫu thuật cắt đoạn ruột: Với những trường hợp đặc biệt có nhiều polyp lớn trong đại tràng có nguy cơ tắc ruột, hoặc nguy cơ ung thư.
Để giảm nguy cơ phát triển polyp đại tràng bằng cách áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh, chẳng hạn như: Thực hiện một chế độ ăn ít chất béo, ăn chế độ ăn nhiều trái cây, rau và chất xơ. Giữ trọng lượng cơ thể bình thường. Bỏ hoặc tránh xa hút thuốc lá, tránh sử dụng quá nhiều rượu.
Những người đã bị polyp đại tràng nên đi kiểm tra đại tràng thường xuyên, vì họ có khả năng phát triển cao hơn so với những người khác. Nếu có dấu hiệu u ác tính, bệnh nhân cần tuân thủ theo chẩn đoán và phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra.