Hạ đường huyết - tình trạng nguy hiểm do thuốc gây ra
Hạ đường huyết do thuốc thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm cảm thấy run rẩy hoặc lo lắng, đổ mồ hôi, khó chịu, lú lẫn, nhịp tim nhanh và ngất.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị đái tháo đường là nguyên nhân gây hạ đường huyết. Các thuốc có nguy cơ bao gồm: Insulin, metformin, sulfonylureas, thuốc chẹn beta
Ngoài thuốc, các lựa chọn lối sống cũng có thể góp phần làm hạ đường huyết bao gồm sử dụng rượu, dùng quá liều thuốc đái tháo đường và bỏ bữa.
Hạ natri máu
Thuốc là nguyên nhân phổ biến gây hạ natri máu và hội chứng SIADH (tăng tiết ADH bất thường). SIADH dẫn đến giải phóng ADH từ thùy sau tuyến yên để đáp ứng với áp suất thẩm thấu cao, làm tăng huyết áp do co thắt tiểu động mạch, giảm mất nước dưới dạng mồ hôi và tăng khả năng giữ nước ở thận, dẫn đến giảm lượng nước tiểu.
Trong số các triệu chứng, hạ natri máu nghiêm trọng có thể dẫn đến buồn nôn/nôn, hôn mê, co giật, phù phổi và hôn mê.
Các thuốc có nguy cơ bao gồm: Thuốc lợi tiểu thiazide; thuốc chống động kinh (carbamazepine, axit valproic); thuốc chống trầm cảm (SSRIs, chất ức chế MAO); thuốc chống loạn thần điển hình / không điển hình; tác nhân hóa trị (vinca alkaloid).
Xuất huyết tiêu hóa
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị. Tuy nhiên, sử dụng các thuốc này có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc tiêu hóa, chảy máu hoặc thủng đường tiêu hóa. Tỷ lệ xuất huyết tiêu hóa do thuốc NSAID gây ra ở mức 1-2,5/100 người/năm.
Cơ chế hoạt động của NSAID là ức chế sự hoạt động của enzyme Cyclooxygenase (COX), ngăn chặn sự sản sinh ra prostaglandin. Do prostaglandin là hoạt chất trung gian có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột nên khi sử dụng các thuốc này trong một thời gian dài thường gây ra tác dụng phụ xuất huyết đường tiêu hóa.
Xuất huyết tiêu hóa do thuốc là một biến chứng nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa cần phải hết sức thận trọng.
Bệnh phổi - Một tình trạng nguy hiểm do thuốc gây ra
Bệnh phổi do thuốc gây ra không phải là một rối loạn đơn độc, mà là một vấn đề lâm sàng phổ biến trong đó bệnh nhân không có bệnh phổi trước đó phát triển các triệu chứng về hô hấp, suy giảm chức năng phổi, thay đổi mô học hoặc một vài hậu quả khi dùng thuốc. Hơn 150 loại thuốc đã được báo cáo là gây ra bệnh phổi.
Cơ chế này chưa được giải thích, nhưng nhiều loại thuốc được cho là gây kích thích đáp ứng quá mẫn. Một số loại thuốc (ví dụ, nitrofurantoin) có thể gây ra các mô hình tổn thương khác nhau ở những bệnh nhân khác nhau.
Tùy thuộc vào loại thuốc, hội chứng do thuốc có thể gây ra xơ hóa mô kẽ, viêm phổi tổ chức hóa, hen, phù phổi không do tim, tràn dịch màng phổi, tăng bạch cầu ái toan trong phổi, xuất huyết phổi.
Điều quan trọng là phải ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức. Các đợt cấp thường hết trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi ngừng thuốc. Các triệu chứng mạn tính có thể mất nhiều thời gian hơn để cải thiện. Một số bệnh phổi do thuốc, chẳng hạn như xơ phổi, có thể khó điều trị và trở nên trầm trọng hơn, ngay cả sau khi ngừng thuốc.
Các thuốc có nguy cơ bao gồm: Thuốc kháng sinh (nitrofurantoin, thuốc sulfa); thuốc trợ tim (amiodarone); hóa trị (bleomycin, cyclophosphamide, methotrexate)
Tổn thương gan
Viêm gan do thuốc là một vấn đề khá phổ biến hiện nay, với tỷ lệ lên đến 10% trong các phản ứng phụ do thuốc gây ra. Hầu hết các thuốc dù được dùng bằng đường uống, đường tiêm, xịt hít qua mũi hoặc dán trên da… đều được chuyển hoá tại gan, sau đó sẽ được bài tiết qua mật hoặc nước tiểu. Vì vậy, nếu gan bị suy, chức năng chuyển hoá, giải độc và bài tiết các thuốc cũng bị ảnh hưởng. Sự tích tụ thuốc do không được chuyển hoá và giải độc có thể gây ngộ độc thuốc và có khi tấn công vào gan gây viêm gan do thuốc. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, lạm dụng thuốc hoặc tự ý uống thuốc là những nguyên nhân chính góp phần làm cho tổn thương gan do thuốc xảy ra ngày càng nhiều.
Các thuốc có nguy cơ bao gồm: Thuốc giảm đau nhóm acetaminophen (paracetamol), thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (aspirin, diclofenac, profenic…), thuốc kháng lao (rifamycin, isoniazide và pyrazinamide), các thuốc khác như một số kháng sinh, thuốc trị nấm (ketoconazole)…