Ngày 7/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến về Dự thảo Hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng bệnh viện tư nhân.
Báo cáo của Cục quản lý Khám chữa bệnh cho biết, hiện cả nước có 163 bệnh viện tư nhân, trong đó có 106 bệnh viện đa khoa, 57 bệnh viện chuyên khoa. Trong đó bệnh viện có quy mô số giường lớn nhất là Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (485 giường), còn lại hơn 50% là các bệnh viện có dưới 100 giường bệnh. Đa số các bệnh viện tư nhân đều thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thông thường, một số ít bệnh viện tư nhân hiện đã triển khai thực hiện thành công một số kỹ thuật tuyến trung ương, kỹ thuật cao trong điều trị…
Bệnh viện tư nhân đang góp phần không nhỏ vào công tác khám chữa bệnh (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Dự thảo thông tư nhằm đánh giá năng lực hoạt động bệnh viện, khuyến khích bệnh viện tư nhân không ngừng hoàn thiện về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường trang thiết bị hiện đại, áp dụng kỹ thuật chuyên môn mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ chăm sóc người bệnh, lấy người bệnh là trung tâm. Bên cạnh đó, khi hoàn thiện Thông tư sẽ là căn cứ để các bệnh viện tư nhân trở thành nơi tham gia đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật Việt Nam; phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở để thanh toán mức bảo hiểm y tế đối với người bệnh.
Thông tư Hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng bệnh viện tư nhân dự kiến dựa trên 5 nhóm tiêu chuẩn để đánh giá xếp hạng bệnh viện bao gồm: quy mô giường bệnh và nội dung hoạt động; Cơ cấu lao động, trình độ chuyên môn; cơ cấu hạ tầng; Trang thiết bị y tế và thông tin liên lạc; Khả năng chuyên môn kỹ thuật.
T.Bình