Bệnh nhân Ngô Thị Su Sal 21 tuổi (Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng cánh tay trái bị đứt lìa, phần vai cũng bị dập nát.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, kíp phẫu thuật gồm BS Phạm Trần Xuân Anh Phó giám đốc BV Đà Nẵng, có kinh nghiệm hơn 15 năm ghép các chi, bộ phận đứt rời đã cùng với các bác sĩ ngoại khoa được xem là những “bàn tay vàng” trong phẫu thuật ngoại khoa ghép nối của 2 khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Ngoại bỏng tạo hình của Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành ghép nối cho bệnh nhân.
Đến sáng 10/1, bệnh nhân đã tỉnh tảo, thông số huyết động ổn. Ảnh: BV cung cấp
Điểm khó nhất của ca ghép này là phần đứt lìa bị dập nát chứ không sắc gọn như vết dao cắt. Và phần dập này bắt buộc phải bị loại bỏ mới có thể tiến hành ghép nối. Phần xương cánh tay cũng phải được cắt và rút ngắn gần khoảng 3 phân. Có thể nói, các bước nối động mạch, tĩnh mạch và mạch máu của hệ thống thần kinh đã hoàn hảo.
Một điểm khó khác đó là quá trình phục hồi chức năng vận động cho cánh tay sau khi ghép. Theo các bác sĩ, Su Sal có thể sẽ phải trải qua thêm vài lần phẫu thuật mới đảm bảo quá trình phục hồi, thời gian phục hồi chức năng tiên liệu cũng sẽ kéo dài và khá khó khăn.
“Biết là khó để có thể khôi phục cánh tay cho cô ấy, nhưng chúng tôi vẫn cố hết sức. Đây là nỗ lực chia sẻ cuối cùng và hết sức với người bị nạn của các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, vì cô ấy còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước và bối cảnh của vụ tai nạn quá thương tâm...”, Bs Phạm Trần Xuân Anh Phó giám đốc BV Đà Nẵng trải lòng.
Đến sáng ngày 10/1/2019, Su Sal đã tỉnh táo, ăn uống được, thông số huyết động rất ổn, huyết áp và mạch ổn định, cánh tay được nối đã có sắc tố hồng trở lại.
BS Huỳnh Đức Phát, Trưởng Khoa gây mê hồi sức BV Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã thực hiện thành công rất nhiều ca phẫu thuật nối liền chi do tai nạn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thời gian cánh tay bị đứt lìa khỏi cơ thể khá lâu, vùng cơ của cánh tay bị dập nhiều nên tiên lượng về lâu dài thì cần thời gian theo dõi kỹ hơn.
“Ca này phần cơ ngay phần bị đứt lìa dập rất nhiều. Cho nên phải qua 48 tiếng mới đánh giá lại tình trạng nhiễm trùng. Hiện tại, tay mạch máu nối rất tốt, nhưng lo lắng nhất là nhiễm trùng. Thứ 2 là lo phần cơ đó dập nhiều, hoại tử vùng đó cũng cần theo dõi dài”, Bs Phát cho hay.