1. Mối liên hệ giữa chứng đau nửa đầu và chế độ ăn uống
Đau nửa đầu (hay còn được gọi là đau đầu Migraine), là tình trạng đau một bên đầu dữ dội, đột ngột, có thể đi kèm các triệu chứng như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng.
Các cơn đau nửa đầu có thể kéo dài vài giờ, thậm chí kéo dài mấy ngày, đau ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, khả năng làm việc và chất lượng sống của người bệnh.
Mặc dù chứng đau nửa đầu có thể phát sinh do nhiều yếu tố và những yếu tố này khác nhau ở mỗi người nhưng chế độ ăn uống có liên quan đến tình trạng này. Trong đó một số loại thực phẩm và đồ uống có chứa các chất có thể gây ra các cơn đau nửa đầu. Hay việc bỏ bữa hoặc ăn không đúng giờ khiến cơ thể bị đói cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu.
Nguyên nhân gây đau đầu khi đói có thể do bạn bị hạ đường huyết, mất nước. Cơn đau thường nhẹ hoặc vừa phải và thường sẽ hết trong vòng 72 giờ hoặc sớm hơn sau khi ăn.
Theo BSCKII Khúc Thị Nhẹn, nguyên Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện E, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc khởi phát cơn đau nửa đầu Migraine như: yếu tố tâm lý, môi trường, thức ăn… Phương pháp điều trị đau nửa đầu bao gồm điều trị cắt cơn đau và điều trị dự phòng.
Bệnh nhân đau nửa đầu cần phải được phổ biến kiến thức để biết cách phòng tránh những yếu tố khởi phát cơn đau cũng như biết cách dự phòng. Các yếu tố khởi phát cần phải tránh bao gồm: Thiếu ngủ, căng thẳng, mệt mỏi, hoạt động thể lực mạnh, tiếng ồn, thay đổi nhịp sinh học, nước hoa hoặc khói thuốc lá, độ cao, phơi nắng, chói mắt; tránh thức ăn như rượu, cà phê, sô cô la, tránh bỏ bữa…
2. Một số thực phẩm nên tránh khi có cơn đau nửa đầu
2.1. Rượu
Tác nhân có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu phổ biến nhất là rượu bia. Nghiên cứu cho thấy, một số chất trong một số đồ uống có cồn, đặc biệt là histamine, tyramine và sulfites có liên quan đến các cơn đau đầu. Tuy nhiên, phần lớn các bằng chứng cho thấy bản thân rượu gây ra chứng đau nửa đầu vì nó làm giãn mạch máu.
2.2. Sô cô la
Sô cô la có thể là tác nhân gây ra chứng đau nửa đầu. Điều này được cho là do sự hiện diện của beta-phenylethylamine, một hợp chất hữu cơ kích thích hệ thống thần kinh trung ương và não bộ.
2.3. Bột ngọt (mì chính)
Mì chính là phụ gia thực phẩm được dùng nhiều nhất trong chế biến thực phẩm công nghiệp và chế biến các món ăn. Có một số người cảm thấy dễ bị đau nửa đầu khi sử dụng nhiều mì chính.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mì chính nói chung là an toàn để tiêu thụ. Trên thực tế, nó đã có sẵn một cách tự nhiên trong cơ thể con người.
Thành phần chính của mì chính là glutamate, một loại axit amin phổ biến giúp cấu tạo nên protein trong cơ thể sống. Mì chính có vị umami (hay còn gọi là vị ngọt thịt), giúp làm nên vị ngon cho món ăn.
Theo cơ quan này, trong nhiều năm, FDA đã nhận được báo cáo về các triệu chứng như đau đầu và buồn nôn sau khi ăn thực phẩm có chứa mì chính. Những báo cáo về tác động bất lợi này đã khiến FDA yêu cầu nhóm khoa học độc lập - Liên đoàn các Hiệp hội Sinh học thực nghiệm Hoa Kỳ (FASEB) kiểm tra tính an toàn của mì chính vào những năm 1990.
Báo cáo của FASEB kết luận rằng mì chính là an toàn. Một số triệu chứng ngắn hạn, thoáng qua và nhìn chung là nhẹ như: nhức đầu, tê, đỏ bừng, ngứa ran, đánh trống ngực và buồn ngủ có thể xảy ra ở một số người nhạy cảm khi tiêu thụ 3g bột ngọt trở lên mà không có thức ăn.
2.4. Thịt chế biến sẵn
Các nitrat, tyramine được sử dụng để bảo quản các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt ướp muối, thịt nguội hoặc thịt xông khói cũng được cho là tác nhân gây đau nửa đầu.
2.5. Caffeine
Đau đầu có thể gặp ở những người sử dụng caffeine thường xuyên dẫn đến sự giãn nở các mạch máu. Khi cơ thể không nhận được lượng caffeine quen dùng, các mạch máu có thể co lại và dẫn đến đau đầu. Vì vậy, không nên đột ngột cắt giảm caffeine mà nên giảm từ từ.
Xem thêm video đang được quan tâm
Chế độ ăn uống "vàng" giúp phòng ngừa sỏi thận