Men gan cao nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan và ảnh hưởng lớn đến các cơ quan khác. Thậm chí, nguy cơ tử vong sẽ xảy đến nếu không được kiểm soát tình trạng này.
Gan trong cơ thể là một cơ quan vô cùng quan trọng. Men gan là một loại enzyme bình thường nằm trong tế bào gan, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Nồng độ của men gan thường tăng tỉ lệ thuận với mức độ viêm gan.
Nguyên nhân khiến men gan cao
- Do lạm dụng rượu bia
Uống rượu bia nhiều là nguyên nhân phổ biến gây tăng men gan, theo nghiên cứu gần 20% người uống rượu bia nhiều trong một thời gian dài men gan sẽ tăng cao. Nếu không điều trị sẽ bị biến chứng thành xơ gan. Rất nhiều trường hợp phải điều trị lâu lài và tốn kém, chức năng gan cũng không trở lại bình thường mặc dù người bệnh đã ngừng uống.
- Do virus
Bệnh lý viêm gan virus là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng chỉ số men gan. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các loại virus viêm gan A, B, C, D, E) xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công tế bào gan, gây tổn thương gan nghiêm trọng. Trong đó hai loại virus viêm gan B và C đặc biệt nguy hiểm. Nếu hoạt động mạnh, các virus có thể gây viêm gan (hoặc C) cấp tính, mạn tính, tăng nguy cơ xơ gan, suy gan, ung thư gan. Hiện trên thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm bệnh và tại Việt Nam chiếm khoảng 10-20% dân số.
- Do dùng thuốc
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc men gan tăng cao trong đó phải kể đến nguyên nhân dùng một số loại thuốc không tốt cho gan hay có khi còn gây độc cho gan. Hầu như mọi loại thuốc dùng đều có ảnh hưởng gan và gây ra các tổn thương khác nhau.
Các thuốc đặc biệt ảnh hưởng tới gan là loại thuốc thông dụng trong hạ sốt, giảm đau.Thuốc gây độc cho gan phụ thuộc vào liều lượng sử dụng, viêm gan cấp chỉ xảy ra với liều > 4g/ ngày (đối với người lớn),liều > 100mg/kg thể trọng(đối với trẻ em) và sử dụng kéo dài. Người bệnh gan, nghiện rượu liều không quá 2g/ ngày.
Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): như aspirin,diclofenac…được chỉ định sử dụng để giảm đau trong viêm khớp, thoái hóa khớp. Khi sử dụng liều cao và liên tục sẽ gây hủy hoại tế bào gan. Thuốc kháng lao, glucocorticoid,…cũng có thể làm men gan gia tăng.
- Men gan tăng do chế độ ăn uống
Sức khỏe lá gan có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống của mỗi người. Độc tố trong các thực phẩm nạp vào cơ thể là nguyên nhân gây men gan cao. Nếu ăn các loại thực phẩm chứa độc tố, các chất bảo quản nguy hại… đều để lại hậu quả là men gan tăng, gây viêm gan và thậm chí là ung thư gan.
- Bệnh lý đường mật
Viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi mật, sỏi mật trong gan… sẽ làm tổn thương gan và làm tăng men gan. Bệnh đường mật liên quan mật thiết với gan, vì khi đó, đường dẫn mật phù nề hoặc dịch mật bị tắc nghẽn tác động lên tế bào gan, khiến men gan tăng.
Cần làm gì để hạ men gan?
Căn cứ vào nguyên nhân, tình trạng, cơ chế của tình trạng men gan tăng cao vượt ngưỡng, bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
Nếu men gan cao do viêm gan virus: Có thể ức chế hoạt động của virus bằng thuốc kháng virus; từ đó giúp hạ men gan và bảo vệ gan.
Nếu men gan tăng cao do sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá), các loại thuốc: Người bệnh cần dừng ngay việc sử dụng các chất này. Đồng thời, cần kết hợp sử dụng các loại thuốc cải thiện chức năng gan, hỗ trợ quá trình thải độc gan.
Men gan tăng cao do chế độ ăn thì cần điều chỉnh thực đơn ăn uống hợp lý, lành mạnh hoặc điều trị các bệnh lý tại các cơ quan khác là nguyên nhân dẫn đến men gan cao.
Để gan khỏe mạnh và muốn giảm men gan cao cần hạn chế tối đa việc sử dụng rượu và bổ sung đủ lượng nước vào cơ thể mỗi ngày. Tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, nhiều chất béo và có đường. Nên ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giàu chất xơ… Những thực phẩm có nguồn gốc thực vật là một gợi ý điển hình.
Cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, phải dùng đúng, dùng đủ (không dư không thiếu) các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn. Khi dùng thuốc mà có biểu hiện như chán ăn, sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan thì cần trở lại tái khám ở bác sĩ hoặc đến ngay một cơ sở y tế để được kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời nếu thuốc có làm hại gan.
Người bệnh nên lưu ý khi đang dùng thuốc, nếu xét nghiệm thấy tăng men gan thì việc tăng men gan chưa hẳn là biểu hiện đã chuyển thành tổn thương gan. Vì vậy, khi mới chỉ có men gan tăng, không nhất thiết phải ngừng thuốc mà cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Không nghe lời mách bảo tránh nguy hại đến gan và hệ lụy với sức khỏe.