Khi già đi, sụn sẽ bị mòn và các khớp dễ bị viêm, cứng, đau hơn. Các chuyển động có tác động mạnh, sai tư thế, bỏ qua các bước phục hồi cần thiết... có thể đẩy nhanh quá trình này, dẫn đến các vấn đề mạn tính về khớp, tổn thương khớp, khiến việc duy trì hoạt động ở người già trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, để bảo vệ khớp cần thay đổi cách vận động và thực hiện điều chỉnh phương pháp tập phù hợp sẽ giúp bảo vệ cơ thể, đồng thời tăng cường sức mạnh và sức bền.
Dưới đây là 5 lỗi thường gặp khi tập luyện có thể hủy hoại khớp sau tuổi 50 và các giải pháp khắc phục:
1. Tập quá nhiều bài tập tim mạch cường độ cao gây tổn thương khớp
Các bài tập tim mạch như chạy, bật nhảy… rất tốt cho sức khỏe tim mạch, nhưng nếu tập quá mức có thể gây hại nghiêm trọng cho các khớp đang lão hóa. Theo thời gian, việc vận động liên tục từ các hoạt động này có thể làm mòn sụn, dẫn đến đau, cứng ở đầu gối, hông và mắt cá chân.
Giải pháp: Thay thế bằng các hoạt động có tác động thấp hơn như đạp xe, bơi lội, chèo thuyền hoặc tập luyện trên máy elip. Những người thích chạy, có thể thử kết hợp với đi bộ ngắt quãng, việc thay đổi giữa đi bộ nhanh và chạy ngắn để giảm căng thẳng cho khớp. Ngoài ra, nên lựa chọn giày phù hợp, có đệm dày để hấp thụ sốc và bảo vệ khớp.
![5 thói quen tập thể dục làm tổn thương khớp sau tuổi 50- Ảnh 2. Người đàn ông trung niên khỏe mạnh, cường tráng đang tập bài tập leo núi trong buổi tập luyện buổi sáng tại nhà trong căn hộ đầy nắng. Lối sống lành mạnh, thể dục, giải trí, sức khỏe và nghỉ hưu.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/13/photo-1739461726989-17394617272541054485358.jpeg)
Tập luyện quá mức có thể gây hại nghiêm trọng cho các khớp đang lão hóa.
2. Nâng tạ sai cách
Nâng tạ là bài tập cần thiết để duy trì khối lượng cơ và sự ổn định của khớp, nhưng nếu nâng tạ không đúng tư thế, sai kỹ thuật có thể gây áp lực quá mức lên khớp, dẫn đến viêm và chấn thương.
Giải pháp: Thực hiện các động tác nâng tạ chậm, có kiểm soát và duy trì tư thế tốt. Nên sử dụng cơ trung tâm và cơ ổn định để hỗ trợ các khớp trong khi nâng. Nếu không chắc chắn về kỹ thuật, có thể tập với huấn luyện viên cá nhân để cải thiện tư thế và tránh căng thẳng không cần thiết cho các khớp.
![5 thói quen tập thể dục làm tổn thương khớp sau tuổi 50- Ảnh 3. Chân dung một phụ nữ lớn tuổi vui vẻ mặc đồ thể dục đang tập tạ trong công viên.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/13/photo-1739461727763-1739461727927699028044.jpeg)
Nâng tạ không đúng tư thế, sai cách có thể gây áp lực quá mức lên khớp.
3. Nâng tạ quá nặng
Mặc dù nâng tạ rất tốt cho việc xây dựng cơ bắp, nhưng nâng tạ quá nặng sẽ khiến các khớp bị quá tải, có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, đặc biệt là các bài tập như squat tạ đòn, đẩy tạ đòn qua đầu… Trọng lượng quá nặng gây áp lực cực độ lên đầu gối, vai và lưng dưới, làm tăng nguy cơ hao mòn khớp.
Giải pháp: Sử dụng tạ vừa phải với số lần lặp lại nhiều hơn để giảm căng thẳng cho khớp trong khi vẫn rèn luyện cơ bắp. Nên chọn các biến thể nhẹ nhàng với khớp như: Squat với tạ đơn thay vì squat tạ đòn hoặc đẩy tạ đơn thay vì đẩy tạ đòn qua đầu. Ngoài ra, nên tập trung vào thời gian chịu lực hơn là trọng lượng quá nặng, bởi các lần lặp lại chậm hơn với tư thế đúng sẽ hiệu quả và an toàn hơn cho khớp.
![5 thói quen tập thể dục làm tổn thương khớp sau tuổi 50- Ảnh 4. Người đàn ông trung niên thể thao đang chuẩn bị tập luyện cho bắp tay với sự trợ giúp của tạ trong khi tập luyện tại phòng tập hiện đại](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/13/photo-1739461728965-1739461729056733710591.jpeg)
Nâng tạ quá nặng khiến các khớp bị quá tải.
4. Bỏ qua các bài khởi động
Tập luyện cường độ cao mà không khởi động đúng cách là một trong những nguy cơ khiến khớp bị cứng và tổn thương nhanh nhất. Khi không được khởi động, cơ và khớp sẽ kém linh hoạt hơn, làm tăng nguy cơ căng cơ, bong gân và hao mòn khớp.
Giải pháp: Trước khi tập nên dành 5-10 phút giãn cơ hoặc vận động nhẹ để chuẩn bị cho các khớp và cơ nóng lên. Kết hợp các bài tập vận động như xoay tay, mở hông và vung chân duy trì sự linh hoạt và sức khỏe của khớp. Sau khi tập luyện, hãy thực hiện các động tác giãn cơ nhẹ nhàng để giữ cho cơ được thả lỏng, tránh tình trạng căng cứng có thể ảnh hưởng đến khớp.
5. Tập luyện quá sức
Nhiều người vẫn cố tập luyện khi đau khớp, khó chịu khi vận động, thậm chí còn cho rằng, đau chỉ là một phần của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, tập luyện quá sức mà không được phục hồi đầy đủ có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính, tổn thương sụn và các vấn đề về khớp lâu dài.
Giải pháp: Nếu cảm thấy đau khớp, hãy thay đổi cách tập luyện hoặc dừng vận động thay vì cố gắng tập tiếp. Nên nghỉ ngơi và phục hồi tích cực để các khớp có thời gian phục hồi. Có thể xen kẽ với các bài tập nhẹ nhàng với khớp hơn như đi bộ, yoga hoặc bơi lội...
Ngoài ra, có thể trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng các chất bổ sung tốt cho khớp như omega-3, collagen và glucosamine để hỗ trợ sức khỏe sụn...
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 loại thực phẩm không tốt cho người viêm khớp