5 thói quen ăn uống dễ gây ung thư

19-01-2025 17:51 | Ung thư

SKĐS - Bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh và lo lắng của nhiều người. Trong đó có khoảng 1/3 trường hợp ung thư có liên quan đến lối sống, bao gồm thói quen ăn uống không lành mạnh.

Một số thói quen ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư

1. Thói quen ăn nhiều thịt đỏ

Thịt đỏ gồm các loại thịt bò, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu... Khi ăn thịt đỏ ở mức độ phù hợp thì đó sẽ là nguồn năng lượng tuyệt vời cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ thịt đỏ quá mức có thể gây ra các dấu hiệu không tốt cho sức khỏe. Việc ưa thích và ăn nhiều thịt đỏ có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, gồm ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư tiền liệt tuyến...

Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, so với các loại thực phẩm động vật khác như thịt vịt, thịt gà hoặc cá thì tác hại của thịt đỏ cao hơn. Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa hơn, có thể góp phần tăng cholesterol trong máu. Cholesterol cao gây tích tụ trên thành mạch máu, tăng nguy cơ cản trở sự lưu thông máu đến tim và góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch.

5 thói quen ăn uống dễ gây ung thư- Ảnh 1.

Ăn nhiều các thực phẩm được nướng, chiên kỹ có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh ung thư dạ dày,

2. Thói quen ăn đồ chiên, xào

Thói quen thích ăn đồ nướng, thực phẩm chiên xào ở nhiệt độ cao có nguy cơ không tốt cho sức khỏe thậm chí là ung thư.

Các loại thực phẩm khi được nướng, chiên kỹ ở nhiệt độ cao (trên 200 độ C) thì những chỗ tiếp xúc trực tiếp với lửa, dầu ăn, đặc biệt là dầu được chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ phát sinh những chất amin dị vòng là nguyên nhân có khả năng cao gây nên bệnh ung thư.

Mặt khác, khi nướng những thực phẩm có chất béo như thịt, cá thì chất béo trong thực phẩm chảy xuống than lửa, bốc cháy, sinh ra một hợp chất gây ung thư khác là các hydrocarbon thơm đa vòng. Ngoài ra, thực phẩm hun khói như thịt xông khói, gan hun khói, cá hun khói cũng có chứa một lượng lớn benzopyrene gây ung thư.

Do đó ăn nhiều các thực phẩm được nướng, chiên kỹ, hay được hun khói sẽ là nguyên nhân gây nên các bệnh ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư thực quản, các bệnh ung thư vùng ruột kết và trực tràng.

Việc ăn thức ăn chế biến khác như hấp, luộc, hầm giúp giữ được dưỡng chất tốt trong thực phẩm. Chế biến thực phẩm bằng cách dùng nồi áp suất, rang hoặc nướng ở nhiệt độ thấp để tránh làm cháy thức ăn.

Bên cạnh đó, nên tăng cường sử dụng rau củ quả xanh, trái cây tươi (chứa nhiều chất chống oxy hóa, phytochemical và vitamin); ngũ cốc, các loại hạt, đậu (chứa nhiều chất xơ); các loại gia vị như tỏi (chứa allicin), quế sẽ tốt cho sức khỏe và phòng ngừa ung thư.

3. Thói quen sử dụng đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp, chế biến sẵn

Các loại thịt đã qua chế biến, tẩm ướp như xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng, thịt bò khô, mực tẩm gia vị, thịt hun khói tuy là những thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất, kích thích khẩu vị ăn ngon và tiện lợi khi sử dụng nhưng nó lại có thể là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và các loại ung thư khác.

Vì trong các loại thịt này, đặc biệt là thịt nướng và thịt tẩm ướp muối đều chứa những hợp chất có thể gây ung thư như N-nitroso, heterocyclic amin rất nguy hiểm. Do đó, bạn cần hạn chế ăn các loại thịt này để làm giảm nguy cơ gây bệnh ung thư cho chính bản thân mình và các thành viên trong gia đình.

Nghiên cứu cho thấy, khi tiêu thụ 50 g thịt chế biến sẵn mỗi ngày, nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng 18%. Số lượng tiêu thụ theo thời gian càng nhiều, càng kéo dài thì nguy cơ càng cao. Vì vậy, mọi người nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh; bổ sung rau xanh, trái cây tươi...

4. Thích uống rượu, bia

Uống nhiều rượu bia trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, vú, gan. Các thống kê nghiên cứu cho thấy, uống rượu với lượng từ 14g một ngày trở lên làm tăng 23% nguy cơ ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư thực quản là 17%.

5. Thói quen ngại uống nước

Uống nước lọc giúp làm loãng các chất gây hại trong nước tiểu và đẩy chúng ra khỏi bàng quang nhanh hơn, hạn chế sự tích tụ các chất độc hại có thể gây đột biến trong tế bào cơ thể. Ngoài ra uống đủ nước đảm bảo các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách bình thường. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho việc uống đủ nước sẽ làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang, nhưng việc uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày được cho làm giảm nguy cơ viêm nhiễm bàng quang.

Tóm lại: thói quen ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, các loại thực phẩm, nhóm chất khi được đưa vào cơ thể sẽ có tác dụng tốt nếu được bổ sung hợp lý. Vì vậy, việc ăn uống cân bằng, bổ sung hợp lý các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác sẽ tốt cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật.

Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng muối và các loại gia vị khác cũng cần được chú ý. Khi hàm lượng những loại này vào cơ thể ở mức độ dư thừa cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng là yếu tố dẫn đến bệnh ung thư.

Hạn chế đồ ăn cay nóng, không nên ăn trong thời gian dài hoặc sử dụng quá nhiều gia vị nóng trong bữa ăn cũng có lợi cho sức khỏe. Nên chú ý nhai kĩ trong bữa ăn, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Đặc biệt không nên ăn nhiều món khó tiêu cùng một lần (như trứng, khoai tây, thịt rán,…). Sử dụng nhiều rau xanh, hoa quả hằng ngày, giúp cơ thể bổ sung thêm chất xơ và vitamin vừa tham gia tăng cường hệ miễn dịch đẩy lùi các tế bào ung thư.

Tăng cường thể dục thể thao, hoạt động ngoài trời có thể giúp tăng cường sức khỏe cũng như quá trình trao đổi chất cho cơ thể. Giúp cơ thể giảm được năng lượng dư thừa và tăng sức đề kháng cần thiết.

Biểu hiện ung thư phổi di cănBiểu hiện ung thư phổi di căn

SKĐS - Ung thư phổi di căn là khi các tế bào ung thư lan rộng từ nơi nó xuất hiện đầu tiên sang các bộ phận khác của cơ thể, như: ung thư phổi di căn não, xương, gan, thượng thận...

BS. Nguyễn Thanh Lâm
Ý kiến của bạn