Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra tại một số tỉnh thành, trong đó có những vụ ngộ độc lên tới hàng trăm người, khiến dư luận vô cùng lo lắng.
Tại Hải Phòng, từ năm 2019 – 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm. Đó là khẳng định của PCT TP.Hải Phòng Lê Khắc Nam tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế sáng 21/5 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm TP. Hải Phòng, toàn thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 24.796 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 5.549 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 10.115 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong nhóm kinh doanh dịch vụ ăn uống có 7.865 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và kinh doanh thức ăn đường phố, 264 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp, trên 700 bếp ăn tập thể tại các trường học.
Ngoài ra, 4860 cơ sở sản xuất ban đầu lĩnh vực nông lâm thủy sản, trong đó có 4.804 cơ sở sản xuất ban đầu nông lâm thủy sản nhỏ lẻ (do cấp xã quản lý); 2.934 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; 1.338 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Với hệ thống này, thành phố Hải Phòng quản lý ATTP theo hệ thống từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, toàn hệ thống chính quyền thành phố cùng vào cuộc, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm như tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, tập huấn quy trình quản lý, chế biến thực phẩm... qua đó hạn chế, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục bám sát các văn bản của Trung ương để triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là quản lý an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Hải Phòng quản lý an toàn thực phẩm đồng bộ từ thành phố tới địa phương