5 tác dụng phụ thường gặp của thuốc và cách ứng phó

18-11-2023 15:44 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng có thể phòng ngừa, khắc phục hoặc thay thế thuốc khác để đảm bảo an toàn cho người dùng và đạt hiệu quả chữa bệnh tối ưu. Dưới đây là những tác dụng phụ thường gặp...

1. Các tác dụng phụ thường gặp

- Rối loạn tiêu hoá: Hầu hết các loại thuốc đều được dùng bằng đường uống, nên hệ thống tiêu hóa sẽ tương tác với những loại thuốc này trước tiên. Tương tác với axit dạ dày và niêm mạc dạ dày gây ra phản ứng buồn nôn. Thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau là thủ phạm phổ biến. Tuỳ từng trường hợp, có thể dùng thuốc trong bữa ăn để tránh buồn nôn. 

Tác dụng phụ khác của thuốc trên tiêu hoá là gây táo bón. Trong trường hợp thuốc gây táo bón cần uống nhiều nước và tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống. 

Với trường hợp tiêu chảy do thuốc thì cần uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước. 

- Đau đầu: Đau đầu là tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc như thuốc ngừa thai, liệu pháp hormone thay thế, thậm chí ngay cả thuốc trị đau đầu cũng có thể gây đau đầu.

Trước tiên nên tránh các loại thực phẩm, chất kích thích hoặc rượu có thể tương tác với thuốc, làm trầm trọng thêm tình trạng đau đầu. Nếu cơn đau đầu kéo dài, cần thông báo với bác sĩ điều trị để có biện pháp khắc phục.

5 tác dụng phụ thường gặp của thuốc và cách ứng phó- Ảnh 1.

Mỗi loại thuốc có thể gây ra một hoặc nhiều tác dụng phụ.

- Khô miệng: Khô miệng là tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại thuốc như: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc lợi tiểu và thuốc mất ngủ... 

Hầu hết các loại thuốc này đều ức chế khả năng tiết nước bọt, gây ra cảm giác khô miệng. Tuy nhiên, tác dụng phụ này đều nhẹ và chỉ cần uống đủ nước. Bác sĩ cũng có thể đánh giá liều lượng và loại thuốc để giảm nguy cơ khô miệng.

- Tăng cân: Một số loại thuốc có thể có tác dụng khác nhau đối với cơ thể và có thể gây tăng cân. Ví dụ, insulin có thể làm tăng việc tạo ra các tế bào mỡ. Một số loại thuốc có thể làm tăng sự thèm ăn, gây tăng cân. Các loại thuốc khác có thể làm chậm quá trình trao đổi chất hoặc tăng lượng dự trữ glucose.

- Buồn ngủ: Nhiều thuốc có thể gây mệt mỏi, đặc biệt là gây buồn ngủ như thuốc an thần gây ngủ, thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc điều trị ung thư… 

Để giảm tình trạng buồn ngủ, khi dùng thuốc nên tránh các hoạt động đòi hỏi sự tập trung, như lái xe và làm việc chính xác và uống thuốc vào giờ đi ngủ. Bác sĩ có thể đánh giá loại thuốc, liều lượng và thực hiện các biện pháp để giảm triệu chứng.

5 tác dụng phụ thường gặp của thuốc và cách ứng phó- Ảnh 2.

Trước khi sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn của từng loại thuốc.

2. Làm gì để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc?

Một số tác dụng phụ có thể chỉ là tạm thời và sẽ biến mất khi tiếp tục điều trị hoặc sau khi ngừng dùng thuốc. 

Để giảm nguy cơ tác dụng phụ xảy ra trong quá  trình sử dụng thuốc, người bệnh cần thực hiện:

- Thông báo cho bác sĩ và/hoặc dược sĩ biết tất cả các loại thuốc đang dùng và bất kỳ phản ứng dị ứng nào đã biết.

- Hỏi bác sĩ và/hoặc dược sĩ để biết thông tin về các tác dụng phụ tiềm ẩn và biện pháp phòng ngừa nhất định (đặc biệt là về liều lượng, thời gian dùng thuốc, ảnh hưởng của chế độ ăn uống).

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc. Tuân thủ theo liều lượng quy định cũng như các khuyến nghị được đưa ra.

- Cẩn thận khi sử dụng thuốc với trẻ sơ sinh, trẻ em, người già, người bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

- Nếu tác dụng phụ xuất hiện, hãy liên hệ ngay với bác sĩ và/hoặc dược sĩ. Tùy thuộc vào cường độ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ này, bác sĩ có thể đề nghị: Giảm liều quy định, ngừng điều trị hay tiếp tục điều trị hoặc thay thế thuốc bằng một loại thuốc khác.

Tác dụng phụ của thuốc là gì, làm sao để phòng ngừa?Tác dụng phụ của thuốc là gì, làm sao để phòng ngừa?

SKĐS - Thuốc chữa cảm khiến bạn buồn ngủ, thuốc thông mũi làm cho tim đập nhanh và thậm chí aspirin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như chảy máu và loét dạ dày. Tại sao thuốc lại có những tác dụng phụ như vậy?

Mời xem thêm video được quan tâm:

Đau nhức xương khớp dùng thuốc nào hiệu quả?

Ds. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn