5 tác dụng của gừng trong ngăn ngừa bệnh tim

12-05-2025 20:10 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Gừng là gia vị thông dụng và là vị thuốc trong y học cổ truyền, đặc biệt có tác dụng làm dịu tiêu hóa, chống buồn nôn. Bằng chứng mới cho thấy tác dụng của gừng cũng có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Một đánh giá gần đây cho thấy tác dụng của gừng có thể giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol LDL "xấu" và triglyceride, đồng thời làm dịu chứng viêm - tất cả đều là những yếu tố nguy cơ phổ biến gây ra các vấn đề về tim.

1. Tác dụng của gừng có thể giúp hạ huyết áp

Một số nghiên cứu trong bài đánh giá của Cureus cho thấy thực phẩm bổ sung gừng giúp giảm huyết áp tâm thu.

Điều này rất quan trọng vì huyết áp tâm thu cao theo thời gian sẽ gây thêm áp lực lên tim và mạch máu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Liz Weinandy, chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio, cho biết: "Các hợp chất cụ thể trong gừng có thể hoạt động tương tự như thuốc chẹn kênh canxi - những loại thuốc này giúp mạch máu thư giãn và làm chậm nhịp tim, giúp hạ huyết áp".

5 tác dụng của gừng trong ngăn ngừa bệnh tim- Ảnh 1.

Bằng chứng mới cho tác dụng của gừng cũng có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch. Nguồn: Getty Images.

2. Gừng có thể cải thiện mức cholesterol và triglyceride

Gừng có thể làm giảm cholesterol LDL ("xấu") và triglyceride - hai loại chất béo có thể tích tụ trong động mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Một nghiên cứu trong bài đánh giá cho thấy những người béo phì dùng metformin đã cải thiện đáng kể mức cholesterol của họ sau khi dùng tới 1,8 g gừng mỗi ngày. Mức triglyceride, cholesterol LDL và tổng lượng cholesterol của họ đều giảm.

Tác dụng này có thể là do các chất hóa học thực vật tự nhiên trong gừng, chẳng hạn như polyphenol và flavonoid, có thể giúp ngăn ngừa hình thành cholesterol.

Lindsay Malone, giảng viên dinh dưỡng tại Trường Y khoa Đại học Case Western Reserve, cho biết: "Các thành phần hoạt tính của gừng có thể ức chế quá trình tổng hợp cholesterol ở gan, tăng tiết acid mật và tăng cường hoạt động của các enzyme phân hủy chất béo".

3. Tác dụng của gừng với chống viêm

Viêm mạn tính là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim. Malone cho biết: "Gừng rất giàu hợp chất phenolic như gingerol, shogaol và paradol, có tác dụng chống viêm mạnh mẽ".

Một nghiên cứu được trích dẫn trong bài đánh giá cho thấy việc dùng 2 g gừng mỗi ngày trong ba tháng có thể làm giảm viêm.

Điều này có thể xảy ra vì một số lý do. Weinandy cho biết: "Một số chất hóa học thực vật giúp kiểm soát vi khuẩn, virus và các vi sinh vật khác bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta. Những chất khác giúp trung hòa các gốc tự do, có thể gây tổn hại đến các tế bào trong cơ thể".

5 tác dụng của gừng trong ngăn ngừa bệnh tim- Ảnh 2.

Gừng được đánh giá là chứa nhiều hợp chất tự nhiên hỗ trợ sức khỏe tim mạch theo nhiều cách. Ảnh: AI

4. Gừng có thể bảo vệ chống lại xơ vữa động mạch

Malone cho biết những hợp chất hoạt tính sinh học đó cũng có thể tạo ra tác dụng chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào, bao gồm cả tế bào trong tim và mạch máu, khỏi bị tổn thương do các gốc tự do gây ra.

Nghiên cứu cho thấy những tác dụng chống oxy hóa này có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, một tình trạng mảng bám tích tụ trong động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và suy tim.

5. Gừng có thể hỗ trợ mức đường huyết khỏe mạnh

Bài đánh giá cũng cho thấy gừng có thể mang lại lợi ích đáng kể trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Một trong những hợp chất của gừng, 6-gingerol, giúp vận chuyển glucose từ máu vào các tế bào cơ, làm giảm lượng đường trong máu cao và cải thiện độ nhạy insulin.

Trong một nghiên cứu trong bài đánh giá, những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 dùng 1.600 mg gừng mỗi ngày trong ba tháng đã thấy lượng đường trong máu lúc đói, mức insulin và HbA1c (một dấu hiệu kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài ) giảm.

Các nghiên cứu khác cho thấy gừng có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin, một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

6. Có nên thêm gừng vào chế độ ăn uống không?

Kết quả đánh giá rất khả quan, gừng chứa nhiều hợp chất tự nhiên hỗ trợ sức khỏe tim mạch theo nhiều cách nhưng có một vài điều cần lưu ý.

Thứ nhất, các nghiên cứu trong bài đánh giá này có sự khác biệt đáng kể về liều lượng, thời gian, đối tượng và dạng gừng (bột, chiết xuất và viên nang), điều này hạn chế việc chuẩn hóa, Nyree Dardarian, phó giáo sư lâm sàng về dinh dưỡng tại Đại học Drexel cho biết.

Vì vậy, rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn về lợi ích sức khỏe.

Tuy nhiên, việc thêm gừng vào thói quen là điều đáng cân nhắc. Bạn thậm chí có thể sử dụng gừng tươi hoặc gừng dạng bột trong công thức nấu ăn và sinh tố.

Người có vấn đề về sức khỏe hoặc đang dùng thuốc theo đơn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung gừng. Hãy nhớ rằng, gừng không phải là "viên đạn" thần kỳ, Dardarian cho biết: "Gừng là một sự bổ sung tuyệt vời nhưng nó phát huy tác dụng tốt nhất trong bối cảnh lối sống lành mạnh nói chung".

Trà gừng rất tốt nhưng nên uống như thế nào?Trà gừng rất tốt nhưng nên uống như thế nào?

SKĐS - Trà gừng là thức uống có lợi cho sức khỏe được nhiều người ưa chuộng, nhất là vào những ngày thời tiết lạnh. Tuy nhiên, uống trà gừng cần lưu ý một số điều.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Gừng : 7 lợi ích sức khỏe tuyệt vời nhiều người có thể không biết.



Hoàng Nam
(Theo Verywellhealth)
Ý kiến của bạn