1. Ăn ít chất béo mới giảm cân
Chất béo thường bị mang tiếng xấu là không tốt cho sức khỏe và gây tăng cân. Nhiều người khi muốn giảm cân thường bắt đầu hạn chế, thậm chí cắt giảm mọi chất béo trong chế độ ăn uống.
Trên thực tế, cơ thể chúng ta rất cần chất béo để hoạt động hiệu quả vì chất béo cung cấp năng lượng, ổn định huyết áp và giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng.
Tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể và mức độ hoạt động của mỗi người, lượng calo hàng ngày có thể cao hơn hoặc thấp hơn 2.000, nhưng cần tối thiểu 20% calo từ chất béo để đảm bảo cơ thể có đủ acid béo thiết yếu hỗ trợ các chức năng quan trọng.
Không phải tất cả chất béo đều được tạo ra như nhau. Một số chất béo tốt cho sức khỏe và duy trì cân nặng phù hợp như chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn, trong khi các loại chất béo khác được coi là chất béo xấu vì chúng gây viêm có hại cho sức khỏe như là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Chất béo bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như thịt đỏ và sữa… Chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong thực phẩm chiên, đồ nướng thực phẩm đã qua chế biến, thức ăn nhanh…
Chất béo không bão hòa có trong: dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả óc chó, quả bơ và các loại hạt; các loại cá béo… Loại chất béo lành mạnh này không chỉ phù hợp với chế độ ăn uống cân bằng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng độ nhạy insulin và giảm nguy cơ tăng cân.
2. Ăn quá ít calo
Có một sai lầm nhiều người thường hay mắc đó là ăn kiêng giảm cân bằng cách nhịn ăn hay cắt giảm calo quá mức. Cách này không những không hiệu quả mà còn kích thích cảm giác đói của cơ thể. Việc ăn quá ít calo còn gây ra những tác động tiêu cực về thể chất và tâm trạng như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm.
Nguyên tắc chung để giảm cân an toàn cho tất cả mọi người là cần đảm bảo năng lượng nạp vào thấp hơn năng lượng tiêu hao nhưng vẫn đảm bảo đủ sức khỏe để làm việc. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, để giảm cân hiệu quả và bền vững, chúng ta nên giảm năng lượng một cách từ từ, mỗi ngày giảm khoảng 300Kcal/ngày trong mỗi tuần.
Ví dụ, nếu bạn muốn giảm cân mà đang ăn ở mức 2500 Kcal/ngày thì tuần đầu tiên mỗi ngày nên giảm 300 Kcal. Tuần thứ hai tiếp tục giảm 300 Kcal mỗi ngày. Tuần thứ ba tiếp tục giảm 300 Kcal mỗi ngày cho đến khi đạt mục tiêu năng lượng mong muốn.
3. Tránh tinh bột hoàn toàn
Mặc dù bạn nên hạn chế carbohydrate nếu muốn giảm cân nhưng không nên loại bỏ hoàn toàn vì thiếu carbohydrate dễ dẫn đến mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ nhiều carbohydrate đơn giản (như thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường và thức ăn nhanh) có liên quan đến các tình trạng sức khỏe như béo phì và đái tháo đường.
Carbohydrate đơn giản cũng thường thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trong khi các nguồn thực phẩm toàn phần chứa carbohydrate phức tạp (như rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt) có nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ, giúp duy trì ổn định đường trong máu và giúp bạn no lâu hơn.
Vì vậy, thay vì cắt bỏ toàn bộ carbohydrate khỏi chế độ ăn uống, hãy chuyển sang thay thế bằng carbohydrate phức tạp để tốt cho sức khỏe tổng thể và cân nặng hơn.
4. Bỏ bữa sáng là một sai lầm khi ăn kiêng
Nhịn ăn sáng có vẻ là cách đơn giản để cắt giảm calo nhưng nó khiến bạn luôn ám ảnh bởi cơn đói trong suốt cả ngày. Rõ ràng nhất là bỏ bữa sáng sẽ dẫn đến thèm ăn vặt khi làm việc và ăn quá nhiều vào bữa trưa, làm tăng lượng calo.
Một bữa sáng giàu protein và chất xơ như ăn một quả trứng, thêm các loại hạt hoặc cháo ngũ cốc nguyên hạt giúp bạn kiểm soát cơn đói mà vẫn đủ năng lượng để làm việc. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy những người ăn sáng hàng ngày có nhiều khả năng duy trì cân nặng khỏe mạnh hơn.
5. Uống quá ít nước
Uống quá ít nước là một trong những sai lầm đơn giản nhất trong chế độ ăn kiêng có thể sửa được.
Nước chiếm hơn 2/3 cơ thể khỏe mạnh và rất cần thiết cho quá trình đốt cháy calo. Nếu bạn để mình bị mất nước, quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại và điều đó có nghĩa là bạn sẽ giảm cân chậm hơn. Nó cũng làm giảm mức năng lượng, dẫn đến cảm giác mệt mỏi tăng lên. Vì vậy, hãy uống đủ nước. Uống nước trước bữa ăn có thể giúp giảm cảm giác thèm ăn tự nhiên, từ đó có thể giảm cân lành mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Loại quả thơm ngon bảo vệ đường ruột, tim mạch, hỗ trợ giảm cân.