5 sai lầm thường gặp khi trị nhọt và cách xử trí

20-06-2023 06:59 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Mụn nhọt là bệnh dễ mắc trong mùa hè. Bệnh rất dễ điều trị và nhanh khỏi. Tuy nhiên, nhiều cách điều trị sai khiến cho một bệnh tưởng như đơn giản lại trở nên khó khăn hơn, thậm chí gây nhiễm trùng nguy hiểm…

1. Tự ý chích, nặn nhọt

Nhiều người khi bị nhọt có thói quen nặn, chích… với mong muốn cho nhanh khỏi. Tuy nhiên, điều này là sai lầm. Nhọt cần thời gian để chín. Sau đó vùng da bị nhọt mới dễ dàng bị bộc lộ để đẩy mủ và dịch viêm ra ngoài. Việc cố nặn, khiến bạn đau đớn và khó chịu hơn. Đặc biệt việc dùng kim chọc có thể khiến nhọt nhiễm trùng, mưng mủ nặng hơn.

Nên: Lúc này cần vệ sinh sạch sẽ vùng da bị nhọt. Không chích, nặn nhọt khi còn non. Chỉ nên nặn khi nhọt đã chín bằng cách rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch sau đó dùng tay tác động nhẹ nhàng đẩy hết dịch mủ ra ngoài. Sau khi nặn xong có thể dùng bông thấm nước muối sinh lý 0,9% để rửa lại.

Lưu ý, nếu nhọt quá to, gây đau nhức, cần đến cơ sở y tế để được can thiệp ngoại khoa.

5 sai lầm thường gặp khi trị nhọt và cách xử trí - Ảnh 2.

Nếu nhọt quá to, gây đau nhức, cần đến cơ sở y tế để được can thiệp ngoại khoa.

2. Không điều trị kịp thời

Khi bị nhọt, nhiều người cho rằng đây chỉ là bệnh ngoài da, do trời nắng nóng gây nên. Do đó đã không chú ý điều trị ngay, mà chỉ chú ý ăn uống các thực phẩm mát nhằm giảm nhiệt trong người.

Tuy nhiên, điều này không làm khỏi nhọt, bởi nhọt là một bệnh do vi khuẩn gây ra. Do đó cần có cách chăm sóc và điều trị sớm để tránh có thể tiến triển thành bệnh nặng.

Nên: Cần theo dõi diễn tiến của nhọt để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

5 sai lầm thường gặp khi trị nhọt và cách xử trí - Ảnh 3.

Nhọt gây ra bởi vi khuẩn tụ cầu.

3. Tự ý uống kháng sinh

Nhiều tín đồ "kháng sinh chữa bách bệnh" khi thấy bị nhọt cho rằng bị viêm nhiễm nên đã tự ý dùng kháng sinh với hy vọng bệnh nhanh khỏi. Thói quen này không giúp điều trị khỏi bệnh mà còn có thể gây các tác dụng phụ, nghiêm trọng hơn là gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Nên: Không được tùy tiện uống kháng sinh hoặc bất kỳ loại thuốc nào khi bị nhọt. Có phải uống thuốc hay không, uống loại nào, thời gian, liều lượng ra sao… cần được chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám.

4. Tắm lá, đắp lá lên nhọt

Đây là sai lầm nhiều người mắc phải khi bị nhọt, cho rằng, đắp lá, tắm lá giúp nhọt nhanh lên "ngòi" và nhanh khỏi nên nhiều người đã lựa chọn việc tắm/đắp bằng lá vào nốt nhọt. Tuy nhiên, việc làm này có thể khiến cho các nốt nhọt bị nhiễm trùng nặng hơn do trong lá chưa loại bỏ hoặc chứa độc tố. Nhiều trường hợp tự ý đắp lá, đắp cao dán khi trẻ bị nhọt, gây ra viêm tấy lan rộng, tạo thành ổ áp-xe có mủ… dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây hậu quả nghiêm trọng.

Không những thế, việc sử dụng tắm lá theo theo mách bảo có thể làm người bệnh bị viêm da, đồng thời khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài và khó chữa hơn.

Nên: Không được tùy tiện đắp lá, tắm lá khi bị nhọt. Nên vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên, tránh tác động mạch vào nốt tổn thương, giữ nốt nhọt không bị rách, xước…

5. Dùng miếng dán trị nhọt sai cách

Hiện nay trên thị trường có bán các miếng dán khá hiệu quả trong việc trị nhọt. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách có thể khiến tình trạng nhọt càng trở nên trầm trọng hơn.

Miếng dán này có kết hợp thêm nhiều thành phần để tiêu viêm, kháng khuẩn, hút mủ nhọt và tái tạo, hỗ trợ hồi phục da. Do các miếng dán có chứa thuốc nên cũng có thể gây các tác dụng phụ nếu quá lạm dụng.

Chỉ dùng miếng dán 6-12 tiếng/ngày để vùng da bị tổn thương được khô thoáng. Việc lạm dụng miếng dán có thể khiến mồ hôi không thoát đi được, và có thể gây kích ứng da.

Ngoài ra, trước khi dùng miếng dán cần vệ sinh sạch vùng da bị nhọt. Nếu vệ sinh da không đúng cách sẽ khiến vi khuẩn trong ổ mụn, bụi bẩn và các tác nhân bên ngoài gây nhiễm trùng chỗ tổn thương.

Nên: Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng miếng dán trị nhọt. Tốt nhất để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, nên trao đổi với bác sĩ về cách dùng miếng dán.

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 biện pháp khắc phụ khô da.

BS. Đặng Xuân Thắng
Đại học y dược-Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
Ý kiến của bạn