1. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF không phù hợp
Chỉ số chống nắng SPF cho thấy khả năng chống lại tia UVB khi bôi kem chống nắng lên da. Con số này được tính theo tỷ lệ phần trăm và số giờ khi sử dụng kem chống nắng. Theo định mức quốc tế, 1 SPF có khả năng bảo vệ da và hạn chế tác động của tia UVB trong khoảng 10 phút.
Không có loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ da 100% trước tác động của ánh nắng mặt trời. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, các loại kem chống nắng có SPF 30, 50, 100 sẽ chặn được lần lượt 97, 98 và 99% tác hại từ tia UVB trong ánh nắng mặt trời.
Tuy nhiên, không phải dùng kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao sẽ càng tốt. Bởi những loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao thường có chỉ số bảo vệ tia UVB cao hơn so với tia UVA. Độ SPF càng cao thì lượng kem lưu lại trên da càng lâu, khiến da dễ gặp tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, kích ứng.
Tốt nhất bạn nên lựa chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 60. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số dưới 30 sẽ không mang lại hiệu quả bảo vệ làn da. Đối với tình trạng da bị mụn sưng viêm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu về loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15 - 30 để tránh bị kích ứng.
2. Chỉ thoa kem chống nắng vào những ngày có nắng
Ngay cả trong những ngày u ám, có tới 80% tia UV có thể xuyên qua các đám mây. Chính bởi vậy, nếu chỉ thoa kem chống nắng vào những ngày có nắng là không đủ để bảo vệ da.
Không những thế, ánh sáng xanh từ điện thoại và màn hình máy tính cũng có thể thúc đẩy quá trình lão hóa da sớm. Ánh sáng xanh có khả năng xuyên đến lớp hạ bì của da. Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng này sẽ kích thích sự hình thành của các gốc tự do, góp phần phá hủy collagen và elastin, khiến da mất đi độ đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn.
Chính bởi vậy, ngay cả khi không ra ngoài trời hoặc những ngày trời mưa, nhiều mây, bạn vẫn nên thoa kem chống nắng đầy đủ. Tốt nhất nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài từ 15 - 30 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ hoạt động.
3. Không thoa đủ lượng cần thiết
Hầu hết mọi người chỉ thoa 25 - 50% lượng kem chống nắng được khuyến nghị. Thoa quá ít kem chống nắng sẽ không mang lại hiệu quả bảo vệ da tối ưu. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến da sạm đen dù đã thoa kem chống nắng.
Theo đó, trung bình lượng kem chống nắng đủ cho vùng mặt từ 1- 2 grams (khoảng bằng 2 hạt đậu) và 25 - 30 grams cho toàn cơ thể.
Đối với dạng xịt, bạn cần xịt qua xịt lại 4 lần, thành 4 lớp kem trải đều lên da. Cùng với đó, đừng quên thoa kem chống nắng vào vùng cổ, vùng sau tai và đường chân tóc - đây là những khu vực thường không được quần áo che chắn.
4. Sử dụng kem chống nắng đã hết hạn
Một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải là không theo dõi hạn sử dụng của mỹ phẩm nói chung và kem chống nắng nói riêng. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các loại kem chống nắng có hạn sử dụng chung là khoảng 3 năm. Để đảm bảo làn da được bảo vệ tối ưu, hãy kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm trước khi dùng.
Đồng thời, FDA cũng khuyến khích bảo quản kem chống nắng ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp vì có thể gây ảnh hưởng đến công thức hoặc kết cấu của sản phẩm.
5. Lơ là các biện pháp chống nắng khác
Không có loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ da 100% trước tác động của ánh nắng mặt trời. Do đó, dù đã thoa kem chống nắng, bạn vẫn nên đội mũ rộng vành, đeo kính râm, mặc quần áo dài để che chắn và bảo vệ cho da.
Trong thời gian cao điểm nắng nóng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nên hạn chế ra ngoài. Trường hợp bắt buộc ở ngoài trời, bạn nên ưu tiên di chuyển hoặc ở trong bóng râm càng lâu càng tốt.
Kiểm tra thường xuyên sức khỏe của làn da, nếu có bất cứ những thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc của da hoặc xuất hiện những vết bớt, nốt ruồi và đốm bất thường trên da, bạn nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để thăm khám.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
6 cách giúp hạn chế nám, sạm da.