1. Các sai lầm khi điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ
Bệnh tiêu chảy cấp đa phần là do virus hoặc độc tố của vi khuẩn gây nên. Sau khi bác sĩ thăm khám, nếu trẻ bị tiêu chảy mức độ nhẹ, vẫn bú, ăn uống được bình thường, trẻ có thể được chỉ định điều trị và theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, do đa số cha mẹ rất sốt ruột và chưa thực sự hiểu rõ về bệnh nên đã có những phương pháp điều trị sai lầm, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Trong đó các sai lầm thường gặp trong lâm sàng là:
- Uống kháng sinh khi chưa rõ căn nguyên: Nếu nguyên nhân tiêu chảy cấp là do virus thì việc dùng kháng sinh vừa không diệt được virus mà còn khiến tình trạng tiêu chảy cấp của trẻ càng nặng nề hơn.
- Uống thuốc cầm tiêu chảy: Tiêu chảy cấp là do đường ruột bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn gây ra các độc tố. Lúc này, đi ngoài nhiều lần là phản ứng có lợi của cơ thể nhằm đào thải các độc tố đó ra ngoài.
Nếu sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm giảm nhụ động ruột khiến phân không thải ra ngoài được. Tức là thực chất trẻ vẫn bị tiêu chảy và vẫn có các độc tố trong cơ thể nhưng lại không đi ngoài để đào thải một cách nhanh chóng. Phân dồn ứ lại trong ruột sẽ khiến trẻ bị đau bụng, nhiễm khuẩn nặng hơn, dẫn đến các tình trạng khác rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
- Uống thuốc chống nôn: Cũng gây hại tương tự như với dùng thuốc cầm tiêu chảy.
- Kiêng uống nhiều nước: Ngoài việc sử dụng thuốc sai, nhiều gia đình còn kiêng không cho trẻ uống nhiều nước vì sợ trẻ đi ngoài nhiều hơn. Đây là một sai lầm cực kỳ tai hại. Bởi nguyên nhân đi ngoài là do ruột bị kích thích và tăng dịch ruột, không liên quan đến việc bổ sung nước. Nước không làm cho tình trạng trẻ bị đi ngoài nhiều hơn, ngược lại do trẻ đi ngoài ra nước liên tục khiến cơ thể bị thiếu nước trầm trọng. Cơ thể vẫn cần nước và chất dinh dưỡng như bình thường để duy trì hoạt động. Do đó cần bổ sung nước để tránh cơ thể bị mất nước nghiêm trọng.
Chỉ không nên cho trẻ uống nước ngọt vì càng làm cho trẻ bị đi ngoài nhiều hơn và mất nước nhanh hơn do nước ngọt sẽ kéo nước trong cơ thể vào ruột để cân bằng.
- Kiêng ăn: Nhiều người cho rằng khi trẻ bị tiêu chảy thì không được bổ sung chất đạm vì đường ruột sẽ không tiêu hóa được. Nhưng giai đoạn này nếu trẻ không được tăng cường bổ sung dinh dưỡng sẽ khiến trẻ nhanh chóng bị suy dinh dưỡng dẫn đến miễn dịch suy giảm và dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác.
2. Những điều cần làm khi trẻ bị tiêu chảy cấp
- Bổ sung oresol: Đây là bước quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy cấp dù là bất kỳ nguyên nhân nào. Tốt nhất là oresol đường uống, pha đúng liều tiêu chuẩn.
Trường hợp trẻ nôn trớ nhiều không uống được hoặc uống được rồi bị nôn hết ra thì cần truyền dịch. Cần truyền dịch cho trẻ tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu, tuyệt đối không được truyền dịch tại nhà, kể cả khi có nhân viên y tế theo dõi.
- Bù kẽm cho trẻ sẽ giúp nhanh hồi phục tế bào niêm mạc ruột. Tùy theo độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng cũng như tình trạng tiêu chảy của trẻ, bác sĩ sẽ có chỉ định hàm lượng và thời gian sử dụng kẽm phù hợp.
- Trường hợp trẻ nôn quá nhiều, nếu cần dùng thuốc chống nôn cần theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra có thể bổ sung men vi sinh nhằm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và nâng cao sức đề kháng hàng rào bảo vệ niêm mạc ruột. Tuy nhiên biện pháp này cũng không nên sử dụng tràn lan mà chỉ sử dụng trong vài ngày đầu khi trẻ mới bị tiêu chảy. Trường hợp dùng 3 ngày những không mang lại hiệu quả thì không nên tiếp tục sử dụng.
Một chất khác có tác dụng làm đặc phân là racecadotril, đây không phải là thuốc cầm tiêu chảy mà chỉ có tác dụng làm giảm nước ở phân, giúp phân đặc hơn. Chất này cũng chỉ nên dùng trong 3-4 ngày đầu khi trẻ bị tiêu chảy, không nên lạm dụng.
Mời độc giả xem thêm video:
Rota virus lây truyền như thế nào? | SKĐS