5 sai lầm sếp thường mắc phải khi “trị” nhân viên lười biếng

12-07-2019 08:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong bất kỳ một tập thể, tổ chức nào, việc xuất hiện một vài cá nhân chưa thực sự xuất sắc là điều không thể tránh khỏi. Có thể họ chưa hoàn thiện về năng lực chuyên môn, chưa hoàn thiện trong kỹ năng giải quyết hoặc phong cách – thái độ trong công việc. Điều này không phải quá nghiêm trọng khi bạn có nhân viên lười biếng, chỉ cần nhanh chóng “bắt” được bệnh lười để chấn chỉnh thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Thế nhưng khi sếp hiểu nhầm bản chất vấn đề dẫn đến đưa ra những giải pháp sai lầm thì tình trạng sẽ trở nên xấu đi và dễ đi vào ngõ cụt.

Dưới đây là 5 sai lầm sếp có thể mắc phải khi “trị” nhân viên lười biếng, hãy cùng tham khảo nhé.

Phạt bằng cách giao thêm rất nhiều việc

Một trong những sai lầm to lớn và cần phải thay đổi đó chính là tiến hành phạt nhân viên lười biếng bằng cách giao thật nhiều việc và yêu cầu họ bắt buộc phải hoàn thành trong một thời gian ngắn. Đây là phương án xử lý ngắn hạn và không thông minh khi mà việc này không những gây bất mãn ở nhân viên chịu phạt mà còn có thể dẫn tới khối lượng công việc kia không được đảm bảo hoàn thành về số lượng và chất lượng vì áp lực mà bạn tạo ra cho nhân viên của mình. Trưởng phòng Hành chính Nhân sự CareerLink Việt Nam chia sẻ, thay vì giao lượng việc khổng lồ cùng một lúc, bạn nên chia nhỏ ra để giao cho nhân viên đồng thời kiểm soát và đánh giá kết quả ngay khi hoàn thành từng hạng mục.

Im lặng và bày tỏ thái độ

Có nhiều vị lãnh đạo “trị” nhân viên lười biếng bằng cách im lặng khi trông thấy tình hình lười biếng của họ trong quá trình làm việc và sinh hoạt tại môi trường công sở. Sau đó là liên tục bày tỏ thái độ tiêu cực khiến họ hoang mang và không biết mình đã phạm sai lầm nào. Cách làm này phát huy rất ít hiệu quả vì không phải nhân viên nào cũng hiểu những cử chỉ, thái độ của bạn để kiểm điểm bản thân. Lời khuyên là hãy thẳng thắn phê bình riêng với cá nhân nhân viên ấy và yêu cầu họ chấn chỉnh thái độ làm việc thay vì bày tỏ bóng gió ảnh hưởng đến tác phong chuyên nghiệp cần có của một vị lãnh đạo.

Đổ lỗi cho vấn đề cá nhân

Sai lầm này thường xuất hiện ở những vị lãnh đạo có thói quen để ý quá mức đến các vấn đề riêng tư của cấp dưới và có xu hướng đổ lỗi vì những lý do đó khi nhân viên lười biếng mặc dù họ không thật sự tìm hiểu rõ nguyên nhân thực sự. Với vai trò là một cấp trên, bạn cần rõ ràng trong việc tôn trọng đời sống cá nhân của mỗi người đồng thời cũng khéo léo lồng ghép vấn đề công việc vào trong những buổi trao đổi thường ngày. Thay vì cho rằng nhân viên lười vì “bạn gái”, “tiệc tùng”, “mối quan hệ xã hội”… bạn hãy thử hỏi thăm và nhận định một cách khách quan hơn tại sao nhân viên lại lười biếng để từ đó dễ dàng trong việc chấn chỉnh.

Không công nhận cố gắng của nhân viên

Đồng ý rằng không thể tuyên dương ở cùng mức độ như nhau cho nhân viên vốn siêng năng với một nhân viên lười biếng khi hoàn thành một công việc, thế nhưng việc xem cố gắng của nhân viên lười biếng là điều hiển nhiên là suy nghĩ không hề đúng đắn. Đối với môi trường công sở, tập thể thì lãnh đạo cần rõ ràng và tách bạch trong việc thưởng phạt trong từng công việc khác nhau. Nếu chỉ vì trước đây nhân viên lười biếng mà không tuyên dương, khuyến khích khi họ phấn đấu, điều này sẽ khiến họ mất tinh thần và không còn muốn cải thiện nữa.

Xem thường những tố chất đặc biệt của họ

Điều này không phải hoàn toàn vô lý khi mà theo nghiên cứu về tâm thì những nhân viên lười biếng thường có xu hướng sáng tạo cao và luôn biết cách để hoàn thành công việc một cách nhanh nhất đồng thời đảm bảo chất lượng như được yêu cầu. Vị thế của một người lãnh đạo cần biết cách kiểm tra năng lực và trình độ nhân viên của mình đến đâu trong mối quan hệ giữa sự lười biếng và tố chất đặc biệt. Bạn không nên xem thường và cho rằng đây là điều nhảm nhí mà cần nghiêm túc theo dõi để có cách xử lý đúng mực.

Trên đây là 5 sai lầm sếp thường mắc phải khi “trị” nhân viên lười biếng. Hy vọng thông qua bài viết trên sẽ giúp bạn cân nhắc kỹ lưỡng những phương án chấn chỉnh nề nếp làm việc trong đội ngũ nhân viên từ đó đảm bảo tiến độ công việc cũng như chất lượng nhân sự.

Tiến Huy


Ý kiến của bạn