Hà Nội

5 sai lầm khiến bệnh dạ dày chữa hoài không hết

07-12-2015 09:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bạn khó chịu với những cơn đau dạ dày dai dẳng nên đã dùng đủ loại thuốc từ tây y đến đông y mà không “yên ổn”.

Bạn khó chịu với những cơn đau dạ dày dai dẳng nên đã dùng đủ loại thuốc từ tây y đến đông y mà không “yên ổn”.  Bạn mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi mặc kệ những cơn đau hành hạ, hãy cùng PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Hồ - Chủ tịch Hội tiêu hóa Hà Nội, người có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị bệnh dạ dày tìm ra sai lầm khiến bệnh dạ dày chữa hoài không hết.

Sai lầm 1: Tự ý dùng thuốc khi mới chớm đau dạ dày

Tự ý mua thuốc khi ốm nhẹ là thói quen tai hại của đại đa số người Việt Nam. Rất nhiều bệnh nhân đau dạ dày khi đến gặp PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Hồ cũng mắc sai lầm này: “Khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh như đau bỏng rát vùng bụng, ợ hơi, ợ chua … hầu hết bệnh nhân thường ra nhà thuốc hỏi mua thuốc giảm đau tức thì. Tuy nhiên không phải dược tá nào cũng có thể chuẩn đoán đúng bệnh. Họ thường bán các loại thuốc “chung chung” có thể là thuốc giảm axit dạ dày, ức chế bơm proton, kháng sinh hoặc thuốc bao vết loét…”

PGS Thu Hồ phân tích: Bệnh nhân tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ chuyên khoa thăm khám chẩn đoán là nguyên nhân khiến việc điều trị về lâu dài không có hiệu quả, đặc biệt là với các bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu bạn tự ý dùng thuốc cơn đau có thể giảm ngay lúc đó nhưng bệnh dạ dày không được ngăn chặn tận gốc.

PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Hồ (Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Phó chủ tịch Hội tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội tiêu hóa Hà Nội, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam)

Sai lầm 2: Không tuân thủ liệu trình điều trị

Bệnh lý dạ dày rất phức tạp bao gồm nhiều nhóm bệnh khác nhau nhưng hầu hết người bệnh đều hiểu đơn giản: “Tôi bị đau dạ dày”. Khi được bác sĩ chuyên khoa khám và đưa ra phác đồ điều trị đúng chuẩn, đa số người bệnh sẽ thấy cơn đau giảm dần và mất hẳn khi đơn thuốc vẫn chưa dùng hết. PGS Hồ đã từng gặp rất nhiều trường hợp người bệnh ngại hoặc quên mà ngưng sử dụng thuốc trước thời hạn bác sĩ quy định. Khi bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị sẽ gây nhờn thuốc, kháng thuốc. Đây cũng chính là nguyên nhân mà nhóm kháng sinh diệt khuẩn trong điều trị viêm loét dạ dày có tỉ lệ kháng thuốc ngày càng tăng.

Sai lầm 3: Không điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt

Chế độ sinh hoạt khoa học và ăn uống điều độ chiếm vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị dạ dày. Bên cạnh đó, cuộc sống với nhiều áp lực khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi là nguyên nhân hàng đầu khiến ổ viêm loét dạ dày điều trị một thời gian dài không khỏi. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không nhận thức được điều này, hoặc biết nhưng không thể điều chỉnh nổi nhịp sinh hoạt vì quá bận rộn. , Để ngăn chặn bệnh dạ dày cũng như giữ sức khỏe lâu dài, bác sĩ Thu Hồ khuyên bạn nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học bằng cách ngủ đủ giấc, chăm luyện tập thể dục, ăn đủ chất với nhiều rau xanh, không hút thuốc lá và sử dụng nhiều đồ uống có cồn. Riêng với bệnh nhân dạ dày nên tránh đồ ăn quá cay, quá chua, trà đặc… Với người bệnh điều trị bệnh xong nên giữ tinh thần thư thái, tránh áp lực công việc để bệnh không tái phát.

Tự ý dùng thuốc, chế độ sinh hoạt không khoa học, không tuân thủ phác đồ điều trị… là những sai lầm của bệnh nhân khiến đau dạ dày không thể khỏi.

Sai lầm 4: Ngộ nhận bệnh dạ dày không thể lây lan

Trong số các bệnh nhân mắc bệnh dạ dày, có một phần lớn do vi khuẩn H.p (Helicobacter pylori) gây nên. Vi khuẩn này có thể phát tán trong môi trường và nhiễm tới người bệnh qua thức ăn và nước uống. PGS Thu Hồ cho biết: “Rất nhiều bệnh nhân mặc định rằng bệnh dạ dày không lây. Trên thực tế, H.p có thể lây qua nước bọt, phân, dịch tiêu hóa, trong những gia đình có thói quen ăn uống chung... Sự lây nhiễm có thể xảy ra khi dùng thức ăn, nước uống không sạch có chứa vi khuẩn đặc biệt là khi nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ. Vì vậy nếu đã điều trị dứt điểm vi khuẩn H.p mà người bệnh không ý thức được việc vệ sinh thực phẩm sinh hoạt thì nguy cơ tái nhiễm vẫn rất cao”.

Sai lầm 5: Tự ý điều trị theo đơn thuốc cũ khi cơn đau quay trở lại

Bệnh lý dạ dày rất dễ tái phát khi gặp các điều kiện thuận lợi như căng thẳng, mệt mỏi, giảm đề kháng hay chế độ ăn uống không hợp lý. Khi bệnh tái phát, đa số người bệnh có thói quen ngại tái khám vì lý do thời gian và kinh tế và sử dụng lại những đơn thuốc cũ. Đây là sai lầm khiến khó chữa khỏi và có thể trầm trọng hơn.

PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Hồ giải thích: “Ngay cả khi bệnh nhân đã điều trị thành công với đơn điều trị cũ, cũng không được tự ý sử dụng đơn thuốc đó cho lần điều trị sau bởi rất có thể bệnh lý đã tiến triển đến vị trí khác hoặc hình thức khác. Có thể lần đầu ổ viêm không có vết loét, nhưng sau đó đã có thêm vết loét, có thể lúc đầu không nhiễm Hp nhưng lần bệnh sau đã nhiễm vi khuẩn H.p…”


Để bệnh nhân mắc bệnh dạ dày có thêm những kiến thức đúng đắn, kinh nghiệm bổ ích trong điều trị bệnh dạ dày, PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Hồ (Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Phó chủ tịch Hội tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội tiêu hóa Hà Nội, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam) sẽ trực tiếp tư vấn trong Chương trình Tư vấn trực tuyến Thách thức bệnh dạ dày do nhãn hàng Curmind Lead tổ chức vào ngày 30/11 – 13/12/2015. Kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Quý độc giả vui lòng đặt câu hỏi cho PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Hồ tại đây: http://thachthucbenhdaday.curminlead.com/


Ý kiến của bạn